Kết quả bước đầu từ chương trình bắt buộc dán nhãn năng lượng

07:08, 08/08/2013

Theo Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg ngày 14-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2013, một số thiết bị điện gia dụng bắt buộc dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường như bóng đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện; một số sản phẩm thiết bị điện công nghiệp như máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện. Quy định này góp phần ngăn chặn các nhà sản xuất đưa ra thị trường phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất thấp, thúc đẩy các sản phẩm đảm bảo chất lượng và có hiệu suất cao cho người tiêu dùng.

Hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết về nhãn năng lượng theo đúng quy định của Bộ Công thương tại Trung tâm Thương mại Micom Plaza (TP Nam Định).
Hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết về nhãn năng lượng theo đúng quy định của Bộ Công thương tại Trung tâm Thương mại Micom Plaza (TP Nam Định).

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), 6 tháng đầu năm 2013, đã có 1.240 mã sản phẩm thuộc 10 nhóm sản phẩm được dán nhãn năng lượng. 100% các chủng loại máy điều hòa nhiệt độ (khoảng 280 chủng loại), 90% nhóm thiết bị đèn chiếu sáng, 285 chủng loại sản phẩm nồi cơm điện, quạt điện các thương hiệu chiếm thị phần lớn đã hoàn tất đăng ký dán nhãn năng lượng. Một số doanh nghiệp còn chủ động lựa chọn phòng thử nghiệm để nhanh chóng hoàn tất thủ tục dán nhãn năng lượng. Các thương hiệu lớn như Rạng Đông, LG, Sharp, Panasonic, Daikin, Sanyo… đã nhanh chóng chủ động đăng ký chứng nhận năng lượng với Tổng cục Năng lượng, đồng thời phối hợp với các đại lý phân phối trên toàn quốc, các trung tâm thương mại, điện máy triển khai dán nhãn năng lượng cho các thiết bị sản phẩm do hãng sản xuất. Tại 2 trung tâm siêu thị lớn là BigC và Micom Plaza (TP Nam Định), chương trình dán nhãn năng lượng đã được triển khai đồng bộ. Đến nay, Siêu thị Micom Plaza đã phối hợp với nhà sản xuất tiến hành dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các mặt hàng đồ điện dân dụng bắt buộc dán nhãn gồm: máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng, nồi cơm điện, quạt điện đủ tiêu chuẩn. Các mặt hàng điện máy khác đang dần hoàn thiện việc dãn nhãn tiết kiệm năng lượng. Chị Vũ Thị Mai Hương, Trưởng phòng Truyền thông cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tích cực hưởng ứng chương trình dãn nhãn tiết kiệm năng lượng, tiến tới thực hiện dãn nhãn 100% các mặt hàng điện máy tại siêu thị theo đúng tiêu chuẩn. Tại Siêu thị BigC, toàn bộ 260 mặt hàng thuộc nhóm 7 danh mục thiết bị bắt buộc dán nhãn năng lượng. Theo đại diện của BigC, toàn bộ hàng hoá thuộc danh mục dán nhãn đều được kiểm định thông qua Trung tâm Kiểm định Quản lý chất lượng HQ (TP Hồ Chí Minh) trước khi phân phối cho các trung tâm trên địa bàn toàn quốc. Bên cạnh đó, BigC còn tích cực phối hợp với doanh nghiệp phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật quy định về dán nhãn năng lượng đến người tiêu dùng. Trong lộ trình đã triển khai, từ tháng 3-2013, BigC đã tiến hành triển khai dán nhãn năng lượng đối với các thiết bị điều hoà, quạt điện của các hãng LG, Daikin, Sharp và trên nồi cơm điện, máy giặt các loại. Đối với các mặt hàng đã nhập kho, 2 trung tâm BigC và Micom Plaza đều tiến hành kiểm tra, phân loại và xác định số lượng các thiết bị bắt buộc phải dán tem, liên hệ với chính hãng tiến hành dán nhãn theo quy định. Ngoài ra, các trung tâm đều phối hợp với các hãng sản xuất tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên tiếp thị, bán hàng từ 1-2 buổi/tháng hướng dẫn quy trình, cách nhận biết và tư vấn về lợi ích sử dụng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với người tiêu dùng. Theo thống kê, từ khi thực hiện quy định dán nhãn tiết kiệm năng lượng, ước tính doanh số bán hàng điện máy tại Micom Plaza tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của bộ phận bán hàng tại Micom Plaza, người tiêu dùng đã nắm rõ lợi ích của việc dán nhãn năng lượng sản phẩm nên chủ động tìm hiểu và mua các sản phẩm có dán tem năng lượng. Những người chưa biết quy định về dán nhãn đều được nhân viên tư vấn bán hàng tư vấn giúp họ lựa chọn sản phẩm. Có mặt tại gian hàng điện máy ở Trung tâm Thương mại Micom Plaza, chị Nguyễn Thị Hoài Thu ở 48 Thành Chung (TP Nam Định) cho biết: Trước đây, gia đình tôi mua các thiết bị điện chỉ biết căn cứ khả năng tiêu thụ điện từ quảng cáo của các hãng sản xuất. Hiện tại, trên các sản phẩm đều có dãn nhãn năng lượng ghi rõ đầy đủ mức tiêu thụ điện năng, hãng sản xuất, mã số mặt hàng nên gia đình rất yên tâm khi mua hàng, tính toán được lượng điện tiêu hao khi sử dụng thiết bị để có hướng tiết kiệm điện hằng tháng. Tuy nhiên, đối với các hộ kinh doanh hàng điện máy nhỏ lẻ, việc nắm bắt các quy định về dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với 7 danh mục thiết bị từ 1-7-2013 còn khá mơ hồ. Anh Sơn, quản lý bán hàng của cửa hàng điện tử gia dụng tại kiốt số 8, chợ Rồng (TP Nam Định) cho biết: “Các mặt hàng của cửa hàng chủ yếu nhập từ các đại lý cấp I ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trước 1-7 nên đến thời điểm này hàng hoá trong kho chưa có đại diện từ hãng sản xuất đến yêu cầu dán nhãn năng lượng. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ các cơ quan chức năng và từ phía các đại lý”. Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện, điện tử hiện nay, Tổng cục Năng lượng được cấp chứng nhận nhãn năng lượng cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. Do vậy, việc đánh giá doanh nghiệp đủ điều kiện dán nhãn theo quy mô lớn sẽ không thể tránh khỏi ách tắc vì không đủ nguồn lực. Các doanh nghiệp muốn đăng ký chứng nhận dán nhãn năng lượng đều phải đưa sản phẩm đến Tổng cục để kiểm định các tiêu chuẩn phù hợp với quy định. Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ có Cty Chế tạo điện cơ Axuzu (Xuân Trường) phải đăng ký và dán nhãn năng lượng đối với các thiết bị quạt điện, động cơ điện bắt buộc. Ông Đinh Xuân Dụng, Giám đốc Cty cho biết: “Hiện, Cty đang triển khai hoàn thiện các thiết bị điện phải bắt buộc dán nhãn năng lượng, bao gồm động cơ điện từ 1,1-20kW và quạt điện công nghiệp 600W. Do Cty phải đem mẫu sản phẩm đến đăng ký, kiểm định và chứng nhận tại Tổng cục Năng lượng và hoàn thiện các văn bản thủ tục nên đến cuối tháng 8 Cty mới có thể tiến hành dán nhãn năng lượng đồng bộ các thiết bị”. Bên cạnh đó, theo Sở Công thương đã đến thời điểm chính thức bắt buộc dán nhãn, song bản thân doanh nghiệp có thiết bị phải dán nhãn vẫn chưa hiểu đúng về ý nghĩa của việc dán nhãn năng lượng, nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng nên khi tư vấn cho người tiêu dùng dễ làm sai lệch ý nghĩa bản chất của nhãn năng lượng.

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015 đặt ra mục tiêu, tiết kiệm 5-8% tổng điện năng tiêu thụ. Và việc dán nhãn năng lượng là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển thị trường những “sản phẩm xanh”, thân thiện môi trường tiết kiệm năng lượng. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp những kiến thức về nhãn năng lượng, ý nghĩa các mức của nhãn năng lượng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tích cực triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa của nhãn năng lượng đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị vi phạm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com