Hiệu quả từ các dự án khuyến công địa phương

07:08, 22/08/2013

Trong năm 2012, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt 89 dự án, chương trình khuyến công với tổng kinh phí 6 tỷ 350,203 triệu đồng (gấp gần 3 lần tổng kinh phí khuyến công năm 2011), tổ chức được 71 lớp dạy nghề, gồm: may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thêu ren, đan móc sợi, cơ khí... với tổng kinh phí hỗ trợ 4,487 tỷ đồng, trên 2.200 lao động nông thôn sau khi đào tạo có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương, trong các CCN tập trung hoặc các cơ sở công nghiệp nông thôn, các làng nghề. Ngoài ra điểm nhấn của các hoạt động khuyến công trong năm 2012 là 5 chương trình trình diễn kỹ thuật - sản phẩm mới tập trung vào các nghề cơ khí, sản xuất VLXD không nung cho các doanh nghiệp tại 4 huyện: Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường với tổng kinh phí hỗ trợ 760 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, các doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh, như: sản phẩm lò ủ nhôm bằng điện của Cty TNHH Cơ khí Thanh Sơn, xã Nam Thanh (Nam Trực); sản phẩm tôn chấn định hình của Cty TNHH Phát Tài, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); sản phẩm gạch không nung của Cty TNHH MTV Phan Quân, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)…

Sản xuất tại Cty CP Cơ khí đúc và Thương mại Ngọc Long, Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Sản xuất tại Cty CP Cơ khí đúc và Thương mại Ngọc Long, Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khuyến công; trong đó tập trung vào các lĩnh vực: đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn; thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới. Trung tâm cũng đã tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí cho 6 đề án trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới là: Kỹ thuật sản xuất bao bì dược phẩm của Cty TNHH Hoàng Phát, xã Nam Hồng (Nam Trực); kỹ thuật sản xuất máy đóng bịch sản xuất nấm của Cty TNHH Cơ khí Thuận An, xã Xuân Tiến và kỹ thuật sản xuất quạt điện của Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); kỹ thuật sản xuất gạch không nung hai lỗ song động của Cty CP Vân Cầu (TP Nam Định); kỹ thuật chế biến sứa xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân Trần Vân Sỹ, xã Hải Lý (Hải Hậu); kỹ thuật đúc và gia công các chi tiết cơ khí của Cty CP Cơ khí đúc và Thương mại Ngọc Long, Thị trấn Lâm (Ý Yên). Cty TNHH Hoàng Phát, xã Nam Hồng (Nam Trực) chuyên sản xuất lọ, ống nhựa phục vụ ngành sản xuất dược phẩm với công suất gần 16,5 triệu sản phẩm/năm. Cty đã đầu tư trên 4,8 tỷ đồng trang bị hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, trong đó có máy ép phun nguyên liệu nhập từ Trung Quốc trị giá trên 300 triệu đồng, Cty được UBND huyện đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng. Cty CP Cơ khí đúc và Thương mại Ngọc Long chuyên sản xuất các loại hàm côn máy khai thác đá, bánh răng máy nghiền xi măng và nhiều loại phụ tùng, linh kiện thay thế các loại máy móc thuộc ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất xi măng. Để sản xuất được 300 tấn sản phẩm/năm, Cty đã đầu tư trên 7,5 tỷ đồng xây dựng lò đúc, trong đó thiết bị máy tiện băng dài L600-M600 trị giá 400 triệu đồng được UBND tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng nguồn quỹ khuyến công cũng được tăng cường. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp (mỗi lớp có từ 25-35 học viên), mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề tối đa là 250 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 cùng với Phòng Công thương các huyện và các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh phối hợp với các trung tâm dạy nghề các huyện tổ chức rà soát nhu cầu của lao động nông thôn để tổ chức các lớp dạy nghề. Trong 7 tháng đầu năm 2013, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Công thương các huyện, thành phố tổ chức 24 lớp dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn tập trung vào các nghề: móc sợi, thêu ren, may công nghiệp, mộc, dệt khăn… cho gần 850 học viên. Tổng kinh phí đề nghị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương là gần 1,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với Trường Trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật Nam Định và Trường Trung cấp nghề Đại Lâm tổ chức 2 lớp dạy nghề dệt khăn, 2 lớp dạy nghề may công nghiệp cho gần 150 lao động nông thôn của các xã Phương Định, Trực Tuấn theo hình thức tập trung, dài hạn. Ngoài ra, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức từ 5-7 lớp tập huấn “khởi sự doanh nghiệp”, 2-3 lớp tập huấn về an toàn điện và tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.

Những kết quả trong công tác khuyến công đã tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com