Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đã tích cực hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vốn, sử dụng thương hiệu của tổ chức tiếp cận thị trường mới thông qua các CLB; hiệp hội doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập được một số CLB, hiệp hội doanh nghiệp như: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nam Định; Hội doanh nghiệp trẻ Nam Định, Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên, Hội doanh nghiệp trẻ Đồng Côi (Nam Trực), Hội doanh nghiệp trẻ Xuân Trường, CLB doanh nghiệp xã Xuân Kiên (Xuân Trường)… để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất tại Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Làng nghề cơ khí đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất gia công các chi tiết máy phục vụ các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, GTVT, sản xuất xi măng... Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên đã được thành lập. Trong quá trình hoạt động, hiệp hội đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh như: khuyến khích các doanh nghiệp làng nghề chuyển từ lò đúc sử dụng than sang lò đúc nhiệt luyện bằng điện; mời các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… cho các doanh nghiệp. Sau khi được triển khai làm điểm tại Cty CP Cơ khí đúc Ngọc Hà, mô hình sử dụng lò đúc nhiệt luyện bằng điện đã được các doanh nghiệp trong làng nghề hưởng ứng vì giá thành chỉ bằng 2/3 lò luyện sử dụng than truyền thống, lại có thể luyện được các mẻ nguyên liệu riêng lẻ với khối lượng ít. Việc đổi mới thiết bị, công nghệ đã giúp các doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Qua nghiên cứu, rà soát, nắm chắc tình hình các doanh nghiệp trong hiệp hội về năng lực vốn, kỹ thuật, công nghệ…, với vai trò “cầu nối”, hiệp hội đã khuyến khích các doanh nghiệp làng nghề tăng cường liên kết trong sản xuất, phân chia công đoạn, mặt hàng phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã đạt mức tăng trưởng từ 15-20%/năm như: Cty CP Cơ khí đúc Cửu Long, Cty TNHH Cơ khí đúc Tiến Đạt, Cty TNHH Cơ khí đúc Nam Ninh, Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng, Doanh nghiệp tư nhân Vũ Đại... Hiệp hội đã xây dựng trang web để giới thiệu các doanh nghiệp thành viên và sản phẩm, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới… Thành công nổi bật của hiệp hội là đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề. Năm 2010, các sản phẩm cơ khí đúc của các doanh nghiệp trong hiệp hội đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy phép. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã tìm thêm nhiều đối tác mới để ký kết hợp đồng và từng bước tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài.
Bên cạnh những hiệp hội, CLB hoạt động hiệu quả, một số hiệp hội, CLB doanh nghiệp trong tỉnh đã bộc lộ những hạn chế và chưa đạt được mục tiêu cùng phát triển. CLB doanh nghiệp xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thành lập được gần 10 năm nhưng chỉ thu hút được 3 doanh nghiệp và khoảng 10 cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia. Hoạt động của CLB mới dừng lại ở việc tổ chức thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, gia đình có việc hiếu, hỷ. CLB doanh nghiệp trẻ Xuân Trường được thành lập vào thời điểm ngành đóng tàu phát triển mạnh nên lúc đầu thu hút được nhiều hội viên tham gia. Sau khi hoàn thiện tổ chức, đề ra quy chế hoạt động cũng là lúc ngành đóng tàu gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế và lạm phát kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp thành viên phải ngừng sản xuất. Vì thế, các hoạt động của CLB cũng chưa được triển khai. Thành lập từ năm 2010, Hiệp hội làng nghề thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã có 28 thành viên tham dự (gồm 6 doanh nghiệp và 22 cơ sở sản xuất). Tuy nhiên, đến nay hiệp hội vẫn chưa hoàn thành khâu tổ chức, các hoạt động chuyên sâu vẫn rất hạn chế. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nam Định thành lập từ năm 2008 nhưng đến nay các hoạt động hỗ trợ thành viên mới chỉ dừng ở việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý. Các hoạt động khác như: liên kết xây dựng thương hiệu theo nhóm ngành hàng, chỉ dẫn địa lý hoặc theo thế mạnh của từng doanh nghiệp hoặc hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận và triển khai áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, khai thác và mở rộng thị trường… vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân của tình trạng này là do các CLB, hiệp hội doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ quản lý, khả năng dẫn dắt, kết nối các doanh nghiệp thành viên cùng thực hiện tiêu chí, mục đích của tổ chức. Hầu hết các hiệp hội, CLB đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay đều chưa có trụ sở làm việc riêng mà chủ yếu đặt tại một doanh nghiệp thành viên. Các hiệp hội, CLB chưa có phòng trưng bày hay trung tâm giới thiệu sản phẩm của các thành viên hiệp hội. Phần lớn các thành viên đều hy vọng được hưởng quyền, lợi ích khi tham gia vào các CLB, hiệp hội mà chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình nên trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp nảy sinh tâm lý chán nản… Để các hiệp hội, CLB doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, các ngành chức năng cần tham mưu với tỉnh tạo điều kiện để các hiệp hội, CLB doanh nghiệp có thể tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp; có cơ chế thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập, phát triển thị trường. Bản thân các hiệp hội, CLB doanh nghiệp cũng cần tự hoàn thiện tổ chức, nâng cao uy tín để có những hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhóm sản phẩm theo ngành hàng hoặc chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ pháp lý giúp các thành viên khi gặp phải các tình huống tranh chấp, rào cản thương mại trên các thị trường./.
Bài và ảnh: Thành Trung