Chủ động phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa mùa

08:08, 06/08/2013

Đến nay, các đối tượng dịch hại trên lúa mùa 2013 không thay đổi so với các vụ trước, nhưng thời tiết khí hậu diễn biến khá phức tạp nên các đối tượng sâu bệnh cũng phát sinh nhiều, vì vậy nếu việc phòng trừ không được quan tâm đúng mức sẽ gây hại cho lúa mùa.

Nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trên lúa mùa sớm.
Nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trên lúa mùa sớm.

Từ ngày 10-7-2013 đến nay thời tiết oi nóng, có nhiều ngày mưa liên tục, là môi trường thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ và bệnh khô vằn phát sinh và gây hại cho lúa. Trên trà lúa mùa sớm, mùa trung sớm, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 5 vũ hóa rộ suốt trong thời gian từ ngày 10 đến ngày 20-7. Theo kết quả kiểm tra đồng ruộng của lực lượng bảo vệ thực vật, sâu non tuổi 1 nở rộ, mật độ trứng và sâu non trung bình 5-10 con/m2, nơi cao 30-60 con/m2, cá biệt có nơi mật độ lên tới trên 100 con/m2. Các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), Xuân Ninh, Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Hải Phong, Hải Trung (Hải Hậu), Nam Hùng, Nam Hoa (Nam Trực)… là những địa phương có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao. Đây là lứa sâu có mật độ khá cao, kéo dài, diện tích nhiễm đến độ phải phun trừ của toàn tỉnh tới trên dưới 6.000ha, chiếm 7,7% tổng diện tích lúa gieo cấy vụ mùa. Trong các ngày từ 22 đến 27-7, các địa phương đã lách thời tiết phun trừ cho toàn bộ diện tích lúa có mật độ sâu 50 con/m2 trở lên với các nhóm thuốc đúng theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Cùng với phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, các địa phương đã hướng dẫn các hộ phun phòng bệnh khô vằn trên lúa khi phát hiện vết bệnh theo đúng hướng dẫn nên đã khống chế được bệnh khô vằn hại lúa. Ngoài ra, các địa phương đã tập trung diệt trừ ốc bươu vàng và diệt chuột ngay từ khi lấy nước vào ruộng các thời điểm bừa cấy đến khi cấy xong. Theo thống kê của các địa phương, đến nay bằng các phương pháp thủ công, dùng hoá chất, toàn tỉnh đã diệt hàng vạn con chuột, hàng chục tấn ốc, trứng ốc nên đã hạn chế sự phá hoại của chuột và ốc bươu vàng trên lúa mùa 2013.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương thì cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ xuất hiện nhiều trận mưa lớn với lượng mưa nhiều, thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa phát sinh, phát triển như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông trên các giống BC15, nếp đặc sản; bệnh bạc lá lúa đối với giống BT7, Tạp giao và bệnh lem lép hạt… Sở NN và PTNT đã soạn thảo quy trình hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ riêng cho giống lúa BT7 cấy trong vụ mùa 2013. Mưa nhiều nên khi phun trừ các địa phương phải chú ý lách thời tiết, tránh để phun đi phun lại nhiều lần, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường; đồng thời cũng tránh tình trạng ngại phun trừ khi mưa liên tục để sâu bệnh tồn tại gây hại, nhất là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông vào thời điểm lúa trỗ ở các giống bị nhiễm. Do mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cao, trên diện rộng, mặc dù các địa phương đã phun trừ, nhưng nguồn vẫn còn lớn cho sâu cuốn lá lứa 7 gây hại. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì sâu cuốn lá lứa 7 ra rộ từ ngày 18 đến 25-8, đây là thời điểm để các địa phương, các hộ nông dân tích cực kiểm tra, nếu đến ngưỡng phải phun trừ ngay khi sâu non mới nở. Mặc dù vụ lúa mùa 2013 toàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ gieo cấy sớm hơn hằng năm từ 15-20 ngày nhằm tránh sâu bệnh cuối vụ, song cần phải cảnh giác phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như rầy lứa 6, lứa 7 và sâu đục thân 2 chấm. Với rầy lứa 6 rất cần quan tâm trên trà mùa sớm và mùa trung sớm; rầy lứa 7 tập trung trên trà mùa trung và các giống đặc sản tám, nếp do thời gian sinh trưởng kéo dài hơn. Bài học “cháy rầy” cuối vụ cũng không xa lạ đối với nông dân tỉnh ta, nhất là các địa phương phía nam tỉnh trong những vụ mùa trước. Do vậy về kỹ thuật phải lưu ý, khi phun trừ rầy cuối vụ cần phải rẽ hàng phun vào tận gốc lúa nơi rầy đang trú và gây hại mới diệt được. Đặc biệt vụ mùa này nạn chuột phá hoại rất lớn, các địa phương đều tổ chức đánh chuột khá hiệu quả nhưng đến nay nạn chuột phá vẫn còn nan giải. Các địa phương cần duy trì các biện pháp diệt chuột liên tục để bảo vệ sản xuất.

Lúa mùa đang đẻ nhánh rộ. Do chăm sóc tốt và gieo cấy sớm, lúa tốt đạt 80-90% diện tích, là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục giành vụ lúa mùa thắng lợi  nếu phòng trừ dịch hại, sâu bệnh tốt. Căn cứ vào tình hình sinh trưởng phát triển của lúa theo từng giai đoạn và diễn biến của thời tiết, khí hậu, các địa phương và lực lượng bảo vệ thực vật tập trung hướng dẫn nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại theo nguyên tắc "4 đúng". Đặc biệt các địa phương nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho công tác diệt chuột, nhất là từ nay đến cuối vụ. Bảo vệ an toàn, sạch sâu bệnh cho lúa mùa là điều kiện quan trọng để bảo đảm năng suất, chất lượng và hiệu quả cao./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com