Cụm công nghiệp (CCN) Trực Hùng, xã Trực Hùng (Trực Ninh) được thành lập năm 2004, có tổng diện tích 12,86ha. Với vị trí thuận lợi do tiếp giáp với tỉnh lộ 486B, ven triền bãi sông Ninh Cơ, ngay sau khi ra đời CCN Trực Hùng đã thu hút gần 20 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất đầu tư các ngành nghề như: đóng tàu, chế biến hải sản, sản xuất và kinh doanh VLXD, kéo sợi PE, sửa chữa phương tiện vận tải thủy… tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động.
Sửa chữa phương tiện vận tải thủy tại Cty CP Công nghiệp tàu thủy Minh Khai, CCN Trực Hùng. |
Những năm gần đây, do tác động của suy giảm kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp đóng tàu gặp khó khăn nên 4 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng chưa khởi công xây dựng, 3 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất tại CCN Trực Hùng phải dừng hoạt động. Trước tình hình trên, UBND huyện Trực Ninh đã chỉ đạo Phòng Công thương, Phòng TN và MT phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức rà soát thực trạng, triển khai các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút liên doanh, liên kết hoặc đầu tư trực tiếp vào CCN; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Đến nay 5 doanh nghiệp gồm Cty TNHH Cường Tân, Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ Minh Khai, Cty TNHH Tiến Cường, Cty TNHH Minh Hân, Cty CP Xây dựng Trực Ninh và 11 cơ sở sản xuất đang nỗ lực vượt khó, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Anh Đinh Văn Chuyên, Giám đốc Cty CP Công nghiệp tàu thủy Minh Khai cho biết: Xã Trực Hùng có trên 40 tàu thủy với công suất máy từ 40-120CV, mỗi phương tiện có từ 3-5 lao động chuyên khai thác đánh bắt thủy hải sản tại các ngư trường lớn; hằng năm nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa đội tàu khai thác này rất lớn. Để duy trì hoạt động, Cty quyết định chuyển hướng kinh doanh từ đóng mới sang sửa chữa phương tiện vận tải thủy và tiếp tục duy trì đội tàu vận tải thuỷ để tạo nguồn thu. Hằng năm, Cty nhận được trên 10 hợp đồng sửa chữa phương tiện vận tải thủy và một số hợp đồng vận tải. Đến nay, Cty đã từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Cường Tân chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư vào CCN Trực Hùng từ năm 2008 với tổng diện tích gần 9.000m2. Hiện nay, Cty có trên 4.500m2 kho, nhà xưởng; 14 kho lạnh, 11 dây chuyền sấy hạt giống công suất từ 12-15 tấn/mẻ. Hệ thống 14 kho lạnh của Cty có 4 kho công suất 70 tấn, 10 kho công suất 50 tấn. Mỗi năm Cty sản xuất 800-1.000 tấn thóc giống, trong đó có 600-800 tấn giống lúa lai F1; Cty đã mua bản quyền giống lúa lai 2 dòng TH3-3 để tổ chức sản xuất. Cty hiện có gần 30 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng; nông dân tham gia sản xuất giống lúa có thu nhập 60-100 nghìn đồng/ngày công… Ngoài sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, trong CCN Trực Hùng còn có 11 cơ sở sản xuất với các ngành nghề như: cơ khí, sản xuất VLXD, chế biến hải sản, kéo sợi PE… Ông Đoàn Văn Bằng ở xóm 5 đã đầu tư công nghệ mới để sản xuất VLXD không nung, mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 20-25 lao động với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất VLXD của ông Đặng Văn Sinh, ở xóm 7 mỗi năm sản xuất 30 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 35-40 lao động. Từ một xưởng cơ khí nhỏ tại xóm 20, đầu năm 2013, được các cấp, các ngành tạo điều kiện, anh Lâm Đình Hướng đã thuê hơn 1.000m2 đất trong CCN Trực Hùng, đầu tư gần 5 tỷ đồng cho dự án sản xuất các chi tiết máy; sửa chữa ô tô, dàn sấy cho hệ thống sấy thóc giống của Cty TNHH Cường Tân… Cơ sở của anh thường xuyên có từ 7-10 lao động lành nghề làm việc với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Để phát huy lợi thế vị trí địa lý, thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN Trực Hùng, huyện Trực Ninh và xã Trực Hùng cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào các CCN ở địa bàn nông thôn theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 của UBND tỉnh. Tích cực cải cách hành chính tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách khuyến khích đầu tư để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vươn lên. Phấn đấu xây dựng và phát triển CCN Trực Hùng theo hướng đa ngành, đa nghề…, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần sớm hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Thành Trung