Trực Đạo quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung

07:07, 18/07/2013

Xã Trực Đạo (Trực Ninh) thuộc vùng đất trũng, tưới, tiêu nội đồng khó khăn, Đảng uỷ, UBND xã xác định quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình trang trại VAC tổng hợp của ông Nguyễn Văn Dương ở xóm 3, xã Trực Đạo bình quân mỗi năm thu lợi từ 300-400 triệu đồng.
Mô hình trang trại VAC tổng hợp của ông Nguyễn Văn Dương ở xóm 3, xã Trực Đạo bình quân mỗi năm thu lợi từ 300-400 triệu đồng.

Để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, năm 2012, xã đã chỉ đạo cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT tại tất cả các thôn, xóm. Đầu tháng 3-2012, xã triển khai rà soát, thống kê số khẩu, kiểm tra hiện trạng quỹ đất nông nghiệp, lập đề án DĐĐT chi tiết của từng thôn, xóm. Đề án DĐĐT được công khai bàn bạc thảo luận tại từng thôn, xóm để người dân cùng thống nhất ý kiến. Đến nay, 19/22 thôn, xóm của xã đã hoàn thành DĐĐT và giao đất trên thực địa. Đồng thời, xã kết hợp DĐĐT với công tác cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Trong chiến dịch thuỷ lợi nội đồng cuối năm 2012, các thôn, đội đã đào đắp được 32.700m3 đất, đạt 286,8% kế hoạch. Trong đó, xã đã tiến hành nạo vét 7.000m3 hệ thống sông cấp II; HTX và các thôn, đội đắp 25.700m3 bờ vùng, bờ thửa; cải tạo hạ thấp được 115 cống bi bảo đảm thuận lợi tưới, tiêu. Xã đã vận động nông dân hiến 3.500m2 đất để mở đường nội đồng, mặt đường rộng 3m, nền rộng 4m ở 7 thôn, xóm để đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Từ kết quả DĐĐT, xã đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Để đảm bảo an toàn lương thực, xã đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất 2 vụ lúa bền vững rộng 70ha ở các xóm: 10, 14, 18, 19. Trước khi bước vào vụ xuân 2013, xã đã chủ động xây dựng cơ cấu mùa vụ, chỉ đạo bảo đảm 100% mạ được gieo nền cứng, mở 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây trồng cho 517 hộ nông dân. Trong đó tập trung phổ biến kỹ thuật gieo sạ hàng, sạ ống, công tác bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo “4 đúng”, khuyến khích nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Vụ xuân 2013, năng suất lúa của xã đạt 75,22 tạ/ha (tăng 3,2 tạ/ha so với cùng kỳ) với tổng sản lượng lương thực đạt 2.989 tấn, hơn 60% diện tích lúa xuân được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thời gian tới, xã chỉ đạo HTX chủ động xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích từ 30-50ha tập trung ở vùng quy hoạch lúa lai chất lượng cao ở các xóm 10, 14, 17, 20, 21, 22. Tại vùng đồng màu rộng 50ha ở các xóm 12, 13, 17, xã chỉ đạo nông dân gieo trồng các loại cây vụ đông có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như bí xanh, đậu tương, đồng thời tăng cường diện tích cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Để mở rộng vùng quy hoạch nuôi thuỷ sản và xây dựng trang trại tổng hợp, xã đã chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả ở các xóm 3, 4, 5 cho các hộ dân đấu thầu, thuê đất. Nhiều hộ đạt thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm như hộ các ông: Nguyễn Văn Dương, Hoàng Văn Giản, Hoàng Văn Sơn… Ông Nguyễn Văn Dương ở xóm 3 cho biết, được xã tạo điều kiện cho thuê đất, gia đình ông đã xây dựng được trang trại rộng 2,3ha với 6 ao cá kết hợp với nuôi lợn, vịt đẻ. Bình quân hằng năm, gia đình ông thu về 200-300 triệu đồng từ kinh tế trang trại. Hiện, mỗi ao cá của ông Dương có diện tích 4 sào nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chim trắng với mật độ hợp lý và mỗi loại cá sống ở mỗi tầng nước khác nhau nên tận dụng được tối đa lượng thức ăn. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 6 tấn cá các loại. Đàn lợn của gia đình ông có hơn 100 con đều là giống lợn siêu nạc nhập ngoại được nuôi theo quy trình công nghiệp khép kín của Cty CP Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam. Mỗi năm gia đình ông xuất được hơn 40 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng. Ngoài ra, đàn vịt đẻ hơn 400 con cũng đem lại cho gia đình nguồn thu khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong vụ mùa 2013, ông Dương tiến hành áp dụng mô hình cá luồn lúa trên 2 mẫu ruộng với các loại cá trôi, trắm, mè, chim trắng. Ước tính mỗi sào ruộng gia đình ông sẽ thu được hơn 1 tạ cá, tổng giá trị 80-100 triệu đồng. Như vậy mô hình cá luồn lúa cho hiệu quả gấp 10 lần so với chỉ cấy lúa truyền thống.  

Đồng chí Ngô Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Trực Đạo cho biết: “Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung đã góp phần hạn chế dịch bệnh, tạo điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nông dân trồng và nuôi các loại cây, con theo hướng tập trung, liền vùng quy mô lớn. Do đó tạo ra khối lượng hàng hoá nông sản lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường”. Thời gian tới, xã Trực Đạo tập trung chỉ đạo thực hiện đúng quy trình gieo cấy theo cơ cấu vụ mùa năm 2013, bao gồm 40% diện tích lúa lai chất lượng cao (NĐ5), 45% diện tích lúa thuần (RVT, BC15…), 15% nếp đặc sản. Xã phấn đấu năng suất đạt hơn 52 tạ/ha, để thu nhập bình quân trên 1ha diện tích đất canh tác cả năm đạt khoảng 80 triệu đồng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com