Trực Chính phát triển ngành nghề

08:07, 30/07/2013

Những năm qua, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã tập trung các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn xã hiện có 560 khung dệt, trong đó có 170 khung dệt khăn và 390 khung dệt màn; 115 máy may công nghiệp, 8 cơ sở sản xuất cơ khí, 15 xưởng mộc, 15 cơ sở chế biến lương thực, 64 hộ kinh doanh cá thể, 11 phương tiện vận tải các loại…, tạo việc làm, thu nhập cho trên 1.000 lao động.

Gia công sản phẩm màn tuyn tại cơ sở may công nghiệp Trường Giang, xã Trực Chính.
Gia công sản phẩm màn tuyn tại cơ sở may công nghiệp Trường Giang, xã Trực Chính.

Làng nghề dệt Dịch Diệp là 1 trong 29 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Để thúc đẩy làng nghề phát triển, xã đã đầu tư cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực làng nghề nói riêng và trên toàn địa bàn xã đảm bảo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hoá và sản xuất, như: bê tông hóa đường giao thông, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải cho khu vực làng nghề, quy hoạch vùng sản xuất tập trung rộng gần 1,5ha để mở rộng phát triển sản xuất CN-TTCN. UBND xã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay; dành quỹ đất để các hộ mở rộng sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Mặc dù bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế nhưng nghề dệt truyền thống của xã vẫn duy trì và phát triển ổn định. Toàn xã có 4 HTX dệt gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 400 thành viên, hàng trăm hộ làm nghề, thu hút khoảng 650 lao động trực tiếp. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất trong xã đã đầu tư máy dệt theo hướng bán tự động, thay thế khung dệt cũ, khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/máy/ngày, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề ký hợp đồng với Cty CP Dệt may Sơn Nam gia công khăn bông, khăn màn, gạc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc liên kết với các Cty TNHH: Lương Anh, Vĩnh Giang (Thị trấn Cổ Lễ) theo phương thức làng nghề sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. UBND xã đã tạo điều kiện khuyến khích phát triển HTX CP Dệt may Bình Định. Cùng với việc phát triển nghề dệt truyền thống, trên địa bàn xã đã hình thành 5 cơ sở may công nghiệp nhận gia công các sản phẩm: quần áo thể thao xuất khẩu, áo mưa, khăn các loại, màn tuyn…, mỗi cơ sở thu hút từ 20-25 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 2,7-3 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu là cơ sở may của các ông: Đinh Văn Tuấn, xóm An Ninh; Đinh Văn Doãn, Mai Văn Giang, xóm An Bình. Năm 2011, được xã tạo điều kiện, anh Mai Văn Giang đã thành lập cơ sở may công nghiệp Trường Giang, nhận thầu 4.700m2 thùng đào, thùng đấu ở xóm An Bình, giáp đê hữu sông Hồng, đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng xưởng may rộng 1.000m2, 25 máy may công nghiệp và một số máy móc chuyên dụng để gia công các loại màn tuyn cho Cty May 10-10 (Hà Nội) và khăn các loại... Mỗi tháng cơ sở sản xuất được trên 15 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương và trên 20 hộ nhận gia công sản phẩm tại nhà. Chị Đinh Thị Vang, xóm An Ninh trước đây nhận may gia công các loại áo mưa tại nhà. Khi cơ sở may công nghiệp Trường Giang hoạt động, chị đã xin vào làm công nhân may các loại khăn với mức thu nhập bình quân hằng tháng từ 2,7-3 triệu đồng. Nhiều hộ dân trong xã tận dụng thời gian nông nhàn, nhận gia công sản phẩm tại nhà cho các cơ sở may công nghiệp với mức thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh các nghề dệt, may công nghiệp…, Cty CP Gạch ngói Nam Ninh đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch bằng công nghệ lò tuynel với công suất tối đa gần 20 triệu viên/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Nhờ tích cực phát triển nghề truyền thống, mở thêm nghề mới, cơ cấu kinh tế của xã Trực Chính đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng CN-TTCN, dịch vụ. 6 tháng đầu năm 2013 giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt gần 23 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com