Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của tỉnh ta. Ngoài lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và đặc biệt là tận dụng được các nguồn phế vật liệu nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, các cơ sở sản xuất sản phẩm TCMN xuất khẩu còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời giải quyết được vấn đề việc làm, lao động trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Đóng gói hàng mây, tre đan mỹ nghệ xuất khẩu tại Cty TNHH Tiến Đạt, xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Toàn tỉnh hiện có 37 làng nghề sản xuất hàng TCMN, phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh; trong đó huyện Ý Yên có 11 làng nghề, huyện Vụ Bản có 6 làng nghề, huyện Nghĩa Hưng có 5 làng nghề. Sản phẩm TCMN chủ yếu là mây tre đan, cói, thêu ren, tơ tằm, đồ gỗ mỹ nghệ và sản phẩm kim khí như đồng, tôn mỹ nghệ… Trong đó, nhóm hàng mây, tre, cói đan với mẫu mã phong phú, đa dạng như bình, lọ hoa, bát, đĩa giỏ, rổ, rá, chiếu, đồ nội thất… được xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Slovakia, Hung-ga-ri và mở rộng sang thị trường EU và Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng mây, tre, cói chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng TCMN của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN liên tục giảm. Bên cạnh nguyên nhân do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Pháp, Đức bị thu hẹp; giá nguyên liệu tăng cao…, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm TCMN xuất khẩu cũng có nhiều hạn chế như mẫu mã sản phẩm chậm cải tiến, tính cạnh tranh không cao; độ an toàn với người sử dụng chưa được chú ý... Đặc biệt những mặt hàng được đặt gia công hoặc thu gom từ nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất nên không đảm bảo tính đồng đều, công tác quản lý chất lượng hàng hoá khó khăn. Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng TCMN và mở rộng thị trường như: cung cấp thông tin dự báo về diễn biến thị trường, giá cả và các quy định pháp luật mới về nhập khẩu hàng TCMN của các nước để tránh rủi ro cho các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác; tổ chức các lớp dạy nghề, nâng cao trình độ sản xuất, quản lý, thiết kế, sáng tác mẫu sản phẩm TCMN thông qua nguồn quỹ khuyến công; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm TCMN trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp nhỏ để mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp đến nhà phân phối, nâng cao hiệu quả sản xuất… Trong 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến công tỉnh và các ngành chức năng đã tổ chức đào tạo nghề TCMN cho lao động tại hầu hết các làng nghề truyền thống. Trong đó, từ nguồn vốn khuyến công, huyện Ý Yên đã tổ chức cho các doanh nghiệp và các hộ dân trong làng nghề tham gia khóa học thiết kế mẫu mã sản phẩm TCMN mây tre đan và ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí mua các loại máy móc chuyên dụng sản xuất hàng TCMN cho các địa phương. Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng, các Cty xuất khẩu hàng TCMN cũng nỗ lực thực hiện các biện pháp duy trì sản xuất và thu hút khách hàng bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, chủ động thiết kế và chào bán sản phẩm cũng như thay đổi quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh của từng sản phẩm. Cty TNHH Hoàng Hiệp, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chuyên sản xuất hàng TCMN từ tre nứa ghép xuất khẩu. Trước khó khăn về thị trường xuất khẩu, Cty đã nhanh chóng đổi mới công nghệ từ sản xuất hàng cốt tre sang cốt nhựa polimer để khắc phục nhược điểm của hàng TCMN sử dụng nguyên liệu tự nhiên hiện nay là dễ bị nấm mốc, cong vênh do tác động của thời tiết, sử dụng sợi nhôm thay thế cho sợi mây. Ngoài ra, Cty còn thử nghiệm sản xuất thêm hàng sắt mỹ nghệ xuất khẩu với các sản phẩm chính là lồng chim, chao đèn, chân nến, kệ sách… Trong thiết kế sản phẩm, Cty chú ý nghiên cứu đảm bảo phù hợp với tập quán và thói quen tiêu dùng của khách hàng. Cty CP Tre cuốn mỹ nghệ xuất khẩu Trường Giang, xã Yên Tiến (Ý Yên) chuyên xuất khẩu mặt hàng chắp nứa truyền thống cao cấp như khay, lọ, bình, bát, đĩa… sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Trước đây, Cty thường nhận hàng qua các Cty khác trong làng nghề, sau đó hoàn thiện sản phẩm, nhưng đến nay, Cty đã trực tiếp đặt hàng tại các hộ có tay nghề cao, kèm theo những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc nên sản phẩm đảm bảo chất lượng. Cty còn tăng cường tham dự các hội chợ, triển lãm sản phẩm thủ công trong nước, quốc tế; thực hiện minh bạch điều kiện làm việc của người lao động với khách hàng nước ngoài xây dựng niềm tin của khách hàng về tính an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe người sử dụng và môi trường. Do đó đến nay, Cty vẫn giữ được hầu hết khách hàng truyền thống, tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động và khoảng 2.000 lao động thời vụ ở các xã lân cận. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong các làng nghề đã có sự liên kết, chia sẻ hợp đồng, chuyên môn hóa từng công đoạn sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN của Sở Công thương và các doanh nghiệp, năm 2013 tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu 400 triệu USD./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương