Tỉnh ta hiện có 89 làng nghề, trong đó có 28 làng nghề truyền thống. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế kéo dài, nhiều làng nghề trong tỉnh gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất - kinh doanh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề trong tỉnh. Bên cạnh sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành, yếu tố quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững là sự nỗ lực của các doanh nghiệp.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Cty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Từ một địa phương ngành nghề kém phát triển, năm 2012 giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã Trực Hùng (Trực Ninh) đạt trên 142 tỷ đồng, chiếm 69,2% tổng thu nhập toàn xã. Các nhóm nghề truyền thống như sản xuất VLXD; kéo sợi PE, sửa chữa phương tiện vận tải thủy, đánh bắt thủy sản…, các nghề mới như: may công nghiệp, chế biến thủy sản, cơ khí… đều phát triển ổn định. Xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng CCN tập trung với tổng diện tích trên 8ha, quy hoạch điểm công nghiệp với tổng diện tích 1ha. CCN huyện trên địa bàn và điểm công nghiệp xã đã thu hút hơn 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nhiều ngành nghề như: Cty TNHH Cường Tân sản xuất lúa giống, Cty Minh Khai sửa chữa phương tiện vận tải thủy, Cty Minh Thông kinh doanh vật liệu xây dựng… tham gia. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong CCN, điểm công nghiệp tập trung đã tạo việc làm cho gần 300 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, làng nghề gỗ mỹ nghệ tại các xóm 9, 10, 35 xã Hải Minh đã được UBND huyện Hải Hậu công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề gỗ mỹ nghệ Hải Minh hiện có hơn 20 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.800 lao động địa phương. Hằng năm, tổng thu nhập tại làng nghề đạt từ 77-80 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thu nhập toàn xã. Tại làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Yên Tiến (Ý Yên) có trên 2.000 hộ tham gia sản xuất. Để có đủ việc làm cho các hộ gia công, gần 40 Cty, doanh nghiệp trong xã đã tích cực tìm kiếm thị trường mở rộng hợp tác tìm kiếm nhiều hợp đồng xuất khẩu. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động có doanh thu cao, ổn định là: Cty CP Tập đoàn Hoàng Mai, Cty Trường Giang, Cty Nam Tuyến, Cty TNHH Nam Hải, doanh nghiệp Thanh Hòa… Để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các thị trường “kỹ tính” như: EU, Nhật Bản… Cty TNHH Nam Hải đã đổi mới công nghệ từ xử lý nguyên liệu, trang bị các loại máy móc hiện đại như: máy sấy, máy phun sơn, máy chà giấy ráp; lắp đặt hệ thống quạt hút công suất lớn để hút bụi, hệ thống “tường nước” ở buồng sơn để hút bụi sơn. Với 2 cơ sở sản xuất, Cty đã tạo việc làm cho 150 lao động trực tiếp và gần 2.000 lao động gia công tại gia đình với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Ở các làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên (Yên Ninh) và đúc đồng Tống Xá (Yên Xá), các doanh nghiệp tại làng nghề đã liên kết thành lập các hiệp hội ngành nghề như: Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên, Hiệp hội làng nghề La Xuyên… để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các thành viên trong hiệp hội chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, tạo việc làm cho phần lớn lao động trong làng nghề qua việc phân chia công đoạn trong sản xuất. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên đã tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ để sản xuất các chi tiết phức tạp. Với việc phân chia công đoạn sản xuất của Hiệp hội, hoạt động của làng nghề vừa tăng tính chuyên môn, chuyên nghiệp hoá; vừa bảo đảm việc làm cho nhiều cơ sở sản xuất nhỏ… Đối với xã Nam Hồng (Nam Trực), các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đã phát huy vai trò quan trọng khôi phục sức sản xuất của làng nghề sau một thời gian trầm lắng. Các doanh nghiệp "chịu trách nhiệm" thị trường, khách hàng, vốn, công nghệ, thiết bị…, các hộ sản xuất chỉ tập trung nâng cao chất lượng, năng suất, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mô hình doanh nghiệp đầu tư khung dệt tại hộ dân đã được nhiều xã có nghề dệt truyền thống của huyện Trực Ninh như: Phương Định, Trực Chính áp dụng hiệu quả. Bình quân thu nhập của người lao động tại các làng nghề dệt truyền thống từ 3,2-3,5 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ cũng có mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tại các làng nghề truyền thống Đồng Côi, Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang), Bình Yên (xã Nam Thanh) của huyện Nam Trực, các doanh nghiệp cũng phát huy vai trò “đầu mối” quan trọng, có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cùng ngành nghề trong cả nước, góp phần ổn định sản xuất của làng nghề. Tại huyện Hải Hậu, các làng nghề: gỗ mỹ nghệ Hải Minh; kéo sợi PE và dệt lưới cước Thị trấn Thịnh Long… ngày càng phát triển nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại của các doanh nghiệp trong làng nghề.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp - làng nghề và làng nghề - doanh nghiệp là mối quan hệ tương tác có vai trò động lực đối với sự phát triển của cả hai bên; trong đó doanh nghiệp vừa là đầu mối tạo việc làm, thu nhập cho lao động làng nghề, vừa là nhân tố quan trọng hình thành thương hiệu làng nghề, phát triển các sản phẩm chủ lực mang yếu tố đặc trưng riêng của mỗi làng nghề. Làng nghề với tiềm năng về nguồn nhân lực tay nghề cao, bề dày kinh nghiệm kỹ thuật về nghề và những giá trị văn hoá lâu đời là nền tảng, bệ đỡ vững chắc để các doanh nghiệp phát triển./.
Bài và ảnh: Thành Trung