Nghĩa Lâm gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với phát triển ngành nghề

08:07, 16/07/2013

Xã Nghĩa Lâm nằm ở phía nam huyện Nghĩa Hưng, địa hình chiều rộng chỉ 1,4km, nhưng chiều dài trên 6km, chênh lệch cốt đất đầu xã và cuối xã tới gần 1m nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và đa dạng hóa ngành nghề.

Sản xuất miến dong tại cơ sở của anh Trần Văn Bân, xóm 13, xã Nghĩa Lâm.
Sản xuất miến dong tại cơ sở của anh Trần Văn Bân, xóm 13, xã Nghĩa Lâm.

Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đổi mới cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi năm xã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Năm 2012, xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa; quy hoạch gọn vùng 41,8ha đất công; huy động nhân dân đóng góp 11,1ha để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Sau dồn điền, đổi thửa, các vùng sản xuất được quy hoạch phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, thuận lợi cho thủy lợi, bố trí giống cây, mùa vụ… Hiện nay, khâu làm đất của xã đã được cơ giới hóa 100% diện tích, thu hoạch bằng máy chiếm 60%, diện tích gieo sạ hàng cũng tăng dần qua từng vụ. Vụ xuân năm 2013, xã đã triển khai thực hiện 1 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 50ha. Những năm gần đây, năng suất lúa của xã thường đạt 127-130 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt gần 5 nghìn tấn/năm, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác đạt gần 90 triệu đồng/ha. Ngoài cây lúa, rau màu, xã chú trọng phát triển nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức mới, hiệu quả, gắn với phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, đàn lợn của xã có 4.200 con, đàn gia cầm có 42 nghìn con… Toàn xã hiện có 30 hộ tận dụng diện tích mặt nước nuôi thủy sản với các loại con nuôi chủ lực là cá nước ngọt, tôm, cá mú… với tổng diện tích gần 39ha. Ngoài ra, hơn 118ha đất công của huyện giao xã quản lý đã thu hút 66 hộ tham gia đấu thầu nuôi thả các loại thủy hải sản. Năm 2012, tổng giá trị thu nhập từ nuôi thủy sản của xã đạt trên 95 tỷ đồng. Bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ phát triển ngành nghề. Hiện, xã có 1 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; 3 cơ sở may công nghiệp; 1 tổ hợp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói và hàng chục cơ sở sản xuất mộc gia dụng, cơ khí… Riêng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, toàn xã hiện có 34 hộ sản xuất các loại miến dong, miến gạo, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, tổng sản lượng miến dong, miến gạo của xã đạt gần 425 tấn, tổng doanh thu đạt trên 17,3 tỷ đồng. Trong số 16 hộ sản xuất miến dong, đã có gần chục hộ đầu tư dàn máy, công suất tối đa 1 tấn/ngày. Anh Trần Văn Bân, xóm 13 đã có kinh nghiệm trên 20 năm làm miến dong là người đầu tư dàn máy làm miến sớm nhất cho biết, mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất khoảng 5-7 tạ miến dong. Ngoài 2 lao động của gia đình, anh phải thuê thêm 5-6 lao động mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của bà Nguyễn Thị Hải, ở xóm 11 sản xuất các loại thảm, túi, làn, bao bì, hộp cói… xuất khẩu; tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày; những lao động tay nghề cao có thể thu nhập 100 nghìn đồng/người/ngày… Được xã khuyến khích, tạo điều kiện, các cơ sở may gia công của các hộ anh Tuynh, xóm 12; anh Nhiên, xóm 11; anh Quang, xóm 4 đã chủ động đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, thiết bị để gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp may trong huyện, trong tỉnh, tạo việc làm cho trên 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã Nghĩa Lâm đạt trên 68,1 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch.  
Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp với phát triển ngành nghề, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp còn 43%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24,2%, dịch vụ chiếm 32,8%. Thời gian tới, xã Nghĩa Lâm tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi tổng hợp theo mô hình trang trại, gia trại, đồng thời khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành - đa nghề, tích cực phát triển nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương./.


Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com