Nghề của những người… già

08:07, 20/07/2013

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Vũ Văn Tinh, xóm Miễu, thôn An Hưng, xã Đại An (Vụ Bản) vẫn thoăn thoắt dùng tay, dùng mắt để… đan lưới. Ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, biết đến nghề gai vó từ khi lên 5 tuổi, tính “sơ sơ” ông có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề. Lịch sử làng nghề, vì thế ông nắm chắc trong lòng bàn tay. Qua lời kể của ông “đời sống” của những vó bè, vó chài, đụt, te, lưới… hiện lên sống động, thân thiết, gần gũi y như trong sinh hoạt hằng ngày người dân quê ông. Ông còn bảo, những năm 1960, chính nghề này đã "cứu sống" cả thôn…

“Cứu sống” cả thôn từ nghề truyền thống

Thôn An Hưng trước đây có tên gọi khác là Vọng Cổ. Cả thôn chọn ngày 10-1 hằng năm bày biện cỗ gồm xôi, gà cúng Trinh Uyển Tiên Tiên Á Quận phu nhân (một người đàn bà, theo trí nhớ của ông Tinh không rõ gốc gác, chỉ biết là đi theo Lê Thận, một vị tướng dưới thời Vua Lê Thái Tổ vào vùng này đánh giặc). Dừng chân ở đất lạ, mến cảnh mến tình người nơi đây, bà đã dạy dân làng cách làm gai vó. Nhớ ơn bà, cả làng lập đền thờ tại xóm Miễu cúng giỗ hằng năm. Cỗ cúng rất đơn sơ, chỉ cần dăm chiếc bánh dày dâng lên, quan trọng hơn là chọn một người để đọc văn tế. Năm nào cũng vậy, nhà nhà lấy ngày này làm ngày giỗ tổ làng nghề. Từ ngày được truyền nghề, dân trong thôn, già trẻ trai gái chăm chỉ đan vó, đan lưới. Trước đây, để đan các loại vó, lưới, người trong thôn phải dùng vỏ của cây gai tước thành sợi để đan. Vì vậy, còn gọi nghề đan vó là nghề gai vó. Tuy nhiên không phải loại sợi gai nào cũng được chọn làm vó. Để làm ra thứ vó bền, chắc, thuở xa xưa, người thợ không quản ngại xa xôi ngược lên tận những miền như Hòa Bình chọn những cây mỏng tựa (vỏ mỏng, già gai nhằm đảm bảo độ bền) để làm vó. Theo năm tháng, trải qua những năm chiến tranh ác liệt, thời kỳ vào làm HTX rồi lại chuyển ra làm tự do… người làng vẫn giữ gìn được nghề truyền thống. Những năm đói kém, khó khăn, chính những chiếc vó vừa giúp người dân trong thôn đi khắp vùng đánh bắt tôm cá kiếm ăn, vừa là mặt hàng kinh doanh hiệu quả. Nói những chiếc vó “cứu sống” cả thôn theo ông Tinh cũng là một cách nhớ ơn của người làng nghề với nghề. Khoảng năm 1975, một sự kiện “trọng đại” đến với nghề gai vó trong thôn, mở ra bước ngoặt mới của nghề. Đó là khi thứ sợi ni lông, sợi dù được người thợ thủ công thay thế sợi gai để làm các loại vó. Sản phẩm của thôn, vì thế cũng đa dạng hơn. Nếu trước đây, khi sử dụng sợi gai sản phẩm chủ yếu là các loại vó, loại lưới đánh cá thì nay, đa dạng các “chủng loại” vó, lưới xuất hiện. Riêng vó đã có thể kể đến khoảng 4, 5 loại như: Vó máy, vó bè, vó kéo tay… Lưới có các loại: lưới đánh cá, lưới giăng hoa, các loại lưới dùng cho một số môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, lưới quây gà, vịt… Ngoài ra, người thợ thủ công cũng rất chịu khó đầu tư thời gian, công sức để làm thêm các sản phẩm mới. Từ đan túi đựng trứng vịt lộn đến các loại vợt, võng nằm... Ngoài làm các loại vó, lưới, họ còn sử dụng sợi cước để làm thêm các loại đăng, đụt… Đặc biệt, lưới máy vốn là loại khó đan nhất trong các loại lưới cũng được bàn tay khéo léo của chính người thợ nơi này mày mò, tự làm. Lưới máy vốn chỉ dùng cho các tàu đánh bắt cá lớn. Một lưới máy có thể nặng từ 40-100kg, đòi hỏi nhiều công sức, kỹ thuật của người đan. Trên tấm lưới có độ dài mấy chục mét, các mối lưới từ đầu đến cuối phải đều, chắc cho đến mắt cuối cùng. Hiện, người dân trong thôn không đan loại lưới này nữa mà thường nhập nguyên chiếc từ Sài Gòn, Thái Nguyên, Hà Tây về chắp (cắt) tùy yêu cầu của khách, gia công thành những sản phẩm khác nhau để bán.

Hơn 50 năm, ông Đỗ Văn Tinh vẫn miệt mài làm các sản phẩm lưới, vó.
Hơn 50 năm, ông Đỗ Văn Tinh vẫn miệt mài làm các sản phẩm lưới, vó.

Tháng 2, ăn Tết xong, ấy là khi các sản phẩm như túi đựng trứng vịt lộn của thôn có nhiều người đến mua. Tháng 7, tháng 8 vào mùa nước, trong thôn tấp nập người mua, kẻ bán các loại lưới, vó. Dân An Hưng tự hào với các sản phẩm làm nên thương hiệu như vó bè, vó con… không có nơi đâu làm đẹp bằng. Khi kéo vó lên, ngư phủ cảm nhận thấy vó nhẹ tênh, nhanh róc nước. Các loại vó cũng dễ đặt và phù hợp với nhiều vùng nước khác nhau. Độ bền của vó thôn An Hưng dao động trong khoảng từ 3-10 năm, các mắt lưới đều, đẹp và óng.

Nghề của những người… già

Bên ấm chè xanh thơm được pha mới để đãi khách, ông Tinh “thủng thẳng” cho chúng tôi biết: “An Hưng có 3 xóm là các xóm Hậu, xóm Miễu, xóm Tiền thì cả 3 xóm trước đây đều làm nghề gai vó. Hiện, chỉ còn xóm Miễu và xóm Tiền là theo nghề. Tuy nhiên, bây giờ chỉ còn lại những người già trong thôn làm nghề. Hiện cũng có khoảng 200 cụ vẫn đều đặn đan vó, đan lưới hằng ngày. Lứa tuổi trẻ, mặc dù vẫn biết nghề nhưng không ai mặn mà nữa vì thu nhập từ nghề quá thấp”. Theo tính toán của ông Tinh, một ngày công lao động sau khi ngồi “gù” cả lưng, “nhức” cả mắt, trừ chi phí mua sợi chỉ được khoảng 15-20 nghìn đồng/người/ngày. Nếu ai đó biết chắp (mua lưới máy về cắt, giềng - dùng sợi để cố định các phần cuối cùng của sản phẩm như mép lưới, đầu lưới) thì thu nhập cao hơn một chút, khoảng 40 nghìn đồng/người/ngày. Tuy nhiên số lượng người biết ghép trong thôn còn ít hơn số ngón tay trên một bàn tay, chỉ khoảng 2 người. Vì vậy nghề này chỉ phù hợp với những người già, và chỉ những người già không làm được những công việc nặng nhọc như chúng tôi là làm, ông Tinh chia sẻ. Tuy ngày công lao động thấp, nghề gai vó trong thôn vẫn được nhiều người cao tuổi lựa chọn. Bởi theo họ, nghề này có ưu điểm là tận dụng được nhiều thời gian rảnh rỗi trong ngày. Hơn nữa ngồi đan không phải là công việc quá nặng nhọc với người già. Nhiều cụ cho biết thêm: đan cái này cũng giống như là tập thể dục, hằng ngày luôn tay luôn chân đan giúp chúng tôi “ngon cơm” hơn. Mỗi ngày, chúng tôi tập trung vài ba ông bà già tại sân nhà nào đó rộng rãi, vừa đan vừa trò chuyện rất vui vẻ. Cũng là cách giao lưu, tâm tình của tuổi già xung quanh chuyện làm nghề. Pha một ấm nước chè tươi, vừa ngồi đan, vừa nói chuyện con cái, làng xóm có gì mới, có gì khúc mắc đều được các cụ chia sẻ, bàn bạc tìm ra những cách giải quyết hợp tình hợp lý. Cái “lợi” nhất của nghề truyền thống này đối với tuổi già là như vậy, nhóm các cụ cao niên đang ngồi đan đầu xóm Miễu hóm hỉnh cho biết. Một ưu thế nữa thu hút số lượng người già gắn bó với nghề là cho thu nhập ổn định quanh năm, sản phẩm làm ra lúc nào bán hết lúc ấy. Nếu làm chăm chỉ, cụ ông, cụ bà thôn An Hưng thu nhập khoảng 400-600 nghìn đồng/người/tháng. Mức thu nhập này tương đối đảm bảo nhu cầu đời sống hằng ngày cho các cụ. Trong thôn hiện có 2 đầu mối đứng ra nhận thu mua sản phẩm là các hộ gia đình ông Vũ Văn Tinh và Vũ Văn Sơn. Hai tuần hoặc 1 tháng, các đầu mối này cung cấp nguyên liệu sợi và thu mua lại thành phẩm của thợ, chờ thương lái từ Thành phố Nam Định xuống cất hàng. Từ đây, các loại vó, loại lưới… của thôn tỏa đi khắp nơi trong cả nước, là mặt hàng được ngư phủ nhiều nơi ưa thích.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nghề gai vó của thôn trong một tương lai gần rất có thể đứng trước nguy cơ “thất truyền”. Yếu tố nhân lực, thợ nghề là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thời điểm hiện tại khi số lượng người già trong thôn vẫn còn nhiều thì nghề gai vó vẫn được duy trì. Vì với họ, không còn cách “kiếm cơm” nào khác. Thực tế cho thấy, hiện trong thôn tuyệt đối những người trung tuổi không có ai theo nghề. Tuy họ giữ vai trò là lớp “kế cận” của nghề truyền thống và mặc dù vẫn biết đan, biết chắp các loại vó nhưng họ không trực tiếp “sản xuất”. Lớp thanh niên thì đa phần không mặn mà với nghề "cha truyền con nối". Hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi quê hương và tìm một nghề khác thức thời hơn. Còn lứa tuổi từ 15 trở xuống, theo ông Tinh, hầu như không ai biết nghề. “Phần vì bố mẹ bọn trẻ muốn dành thời gian cho con học tập, phần vì thu nhập quá thấp, có làm thêm cũng chả đáng là bao nên không ai, kể cả ông bà, bố mẹ có ý định truyền nghề cho chúng”, ông Tinh lo lắng cho biết. Điều này, vô hình chung đặt làng nghề trước nguy cơ có thể thất truyền khi lứa tuổi già và thế hệ kế cận không còn nữa. Ngoài ra, như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề gai vó của thôn An Hưng cũng đứng trước những thử thách như thiếu vốn, khả năng cải tiến mẫu mã, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống rất khó khăn, chật vật…

Mặc dù giá trị kinh tế của nghề gai vó thôn An Hưng hiện tại không lớn, nhưng các giá trị văn hóa, lịch sử, vai trò của nghề trong đời sống của người dân nơi đây vẫn mang ý nghĩa to lớn (bằng chứng là dân trong thôn vẫn rất coi trọng ngày giỗ tổ nghề) và lịch sử bề dày của nghề (từ đời nhà Lê). Vì vậy, việc truyền nghề hơn bao giờ hết nên được quan tâm. Có như vậy khi những nghệ nhân ở vào lứa tuổi “xưa nay hiếm” không còn, con cháu họ mới mong giữ được nghề truyền thống./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com