Trước năm 2005, gia đình bà Nguyễn Thị Thoa, hội viên phụ nữ thôn Liên Thượng, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) hết sức khó khăn, với hoàn cảnh chồng bị bệnh nặng, kéo dài, nhà có tới 5 người con, con thứ hai bị tai nạn giao thông, con út bị bại não. Kinh tế làm ra chẳng được bao nhiêu lại phải chi phí thuốc thang cho chồng, con. Mong muốn lớn nhất của bà là có vốn phát triển kinh tế gia đình. Được bà con trong xóm và địa phương quan tâm, bà được NHCSXH huyện Xuân Trường cho vay ưu đãi 10 triệu đồng để phát triển chăn nuôi lợn và vịt. Sau 4 năm tập trung phát triển gia trại, không quá lo về trả vốn, lãi, gia đình bà đã trả hết nợ cả gốc và lãi. Năm 2007, khi con lớn thi đỗ cao đẳng, do giữ được uy tín, là khách hàng "tốt" từ chương trình vay trước nên bà lại được vay chương trình HSSV số tiền 24 triệu đồng để "nuôi" ước mơ học tập cho con. Đàn lợn và vịt vẫn tiếp tục sinh lợi cho gia đình. Đến tháng 10-2012 gia đình đã trả hết nợ. Tháng 11-2012 gia đình bà chính thức thoát nghèo.
Qua 10 năm hoạt động, tính đến hết ngày 31-12-2012 đã có 40.166 hộ dân toàn huyện được vay vốn từ NHCSXH huyện Xuân Trường với số tiền 298 tỷ 374 triệu đồng. Các chương trình tín dụng do NHCSXH triển khai đã được tổ chức kịp thời, đúng chính sách, chế độ; nguồn vốn ưu đãi được đưa trực tiếp đến đối tượng vay ngay tại xã, không qua “cầu cấp” trung gian, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ. Đến hết năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện giảm xuống còn 4,8% so với bình quân 5,8% giai đoạn 2006-2010, kết quả này có phần đóng góp tích cực của NHCSXH huyện. Tính riêng chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo trong chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 13.664 lượt hộ với số tiền 96 tỷ 417 triệu đồng. Tổng dư nợ là 39 tỷ 55 triệu đồng với 3.733 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ mỗi hộ hơn 10 triệu đồng. Kết quả có 2.057 hộ thoát nghèo, 3.113 hộ được cải thiện cuộc sống.
Hoạt động cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Xuân Trường tại Phòng Giao dịch xã Xuân Kiên. |
Có được những kết quả như vậy, bên cạnh sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân đồng tình ủng hộ là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) tạo thành mô hình quản lý tín dụng chính sách hữu hiệu. Mô hình quản lý tín dụng chính sách này vừa khai thác được tiềm lực về nhân tài, vật lực, vừa là một giải pháp chiến lược lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững, có hiệu lực và hiệu quả cao. Nói về công tác ủy thác cho vay qua tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Ân, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “Mỗi xã đều có 3-4 tổ chức chính trị, xã hội tham gia, qua các kỳ họp giao ban, đánh giá kết quả ủy thác đã tạo ra sự cạnh tranh, thi đua giữa các tổ TK và VV. Nhờ vậy hoạt động của các tổ TK và VV đã đáp ứng được cơ bản các khâu trong hợp đồng ủy thác, ủy nhiệm thu lãi của ngân hàng. Kết quả xếp loại cuối năm, tỷ lệ tổ xếp loại trung bình giảm, loại khá tăng, không có tổ xếp loại yếu kém”. Đến nay, trên toàn huyện đã thành lập được 385 tổ TK và VV, 96% vốn của NHCSXH huyện được ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể với dư nợ ủy thác là 191 tỷ 785 triệu đồng, chiếm 96,6% dư nợ các chương trình của ngân hàng. Để các tổ TK và VV hoạt động hiệu quả, hằng năm, 100% tổ trưởng tổ TK và VV được tập huấn về nghiệp vụ, công tác quản lý tổ, chấn chỉnh các sai sót khi thiết lập hồ sơ vay vốn, thực hiện quy trình thu lãi, phương pháp điều hành vốn và giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, những nhận thức chưa đúng của tổ trưởng tổ TK và VV. Với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động này, NHCSXH huyện đã huy động được nhiều cán bộ tâm huyết với người nghèo từ các cơ quan chính quyền, đoàn thể tham gia quản trị và nhận ủy thác. Hiện nay có 72 cán bộ hội cấp xã, 385 tổ trưởng tổ TK và VV tham gia thực hiện dịch vụ ủy thác cho NHCSXH. Việc tổ chức giao dịch công khai tại xã, thị trấn đã tạo điều kiện để mọi người dân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Ngoài chương trình tín dụng cho vay vốn đối với hộ nghèo, NHCSXH huyện cũng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng: cho vay vốn thực hiện chương trình NS và VSMT, cho vay vốn đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn XKLĐ, cho vay vốn thực hiện chương trình giải quyết việc làm, cho vay vốn hộ nghèo cải tạo, sửa chữa nhà ở… góp phần giảm nghèo toàn diện trên địa bàn, chứ không chỉ dừng ở chỉ tiêu cải thiện thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn nghèo Nhà nước quy định. Trước đây, chính sách tín dụng chưa chú trọng tới việc phòng ngừa nguy cơ tái nghèo, một bộ phận hộ vay mới thoát nghèo thuộc hộ cận nghèo, đã đến hạn trả nợ nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách để thoát nghèo bền vững. Từ khi Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ cận nghèo có hiệu lực thi hành 16-4-2013 đến nay NHCSXH huyện đã triển khai giải ngân cho trên 100 hộ cận nghèo vay với số tiền 1 tỷ 300 triệu đồng. Đây là cơ hội quan trọng giúp giảm nghèo vững chắc.
Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa sự nghiệp công tác giảm nghèo, NHCSXH huyện Xuân Trường đã xây dựng mục tiêu hoạt động và những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của NHCSXH, của đơn vị ủy thác và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ NHCSXH, các TK và VV. Nâng cao chất lượng ủy thác, tăng cường công tác tuyên truyền… đảm bảo tất cả những hộ nghèo, các đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi./.
Bài và ảnh: Quang Lộc