Là địa bàn "trung chuyển" giữa Thành phố Nam Định và các huyện phía nam tỉnh nên huyện Nam Trực có nhiều thuận lợi trong việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng.
Cty TNHH Cao Nguyên đầu tư phát triển sản xuất tại CCN Vân Chàng. |
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, cùng với các chương trình đầu tư của quốc gia và của tỉnh nâng cấp hạ tầng giao thông như Quốc lộ 21, đường 490C; huyện chủ động nâng cấp, làm mới và trải nhựa trên 50km đường trục huyện, 340km đường xã, liên xã; bê tông hóa hàng trăm km đường thôn, xóm; xây mới 9 cầu với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước 180 tỷ đồng, vốn huy động của nhân dân đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác trên 70 tỷ đồng); quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN). Hiện, trên địa bàn huyện có 3 CCN là Đồng Côi, Vân Chàng và Nam Hồng. Trong đó, CCN Nam Hồng, diện tích 14ha, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo giao thông thuận tiện, hệ thống điện, nước cung cấp đến tận hàng rào công trình và có khu đất sinh thái bảo vệ môi trường, tổng trị giá 10 tỷ đồng; CCN Đồng Côi diện tích 28ha, tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng… Ngoài ra, huyện đang tập trung các điều kiện để thành lập mới CCN Bình Yên và một số điểm, CCN, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thực hiện "một cửa" liên thông thủ tục, hồ sơ được niêm yết công khai; nhà đầu tư được tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, tạo môi trường thân thiện để yên tâm đầu tư sản xuất. Do vậy, các doanh nghiệp đã giảm được nhiều thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày so với trước. Ngoài ra, cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng của huyện còn tổ chức các hội nghị gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư, huyện tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Hằng năm, huyện duy trì việc tiến hành tập huấn kỹ năng xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước về Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và cơ chế khuyến khích đầu tư vào địa bàn nông thôn của tỉnh... Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư, nên nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã chọn Nam Trực là địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Syngenta Việt Nam chuyên cung ứng thuốc BVTV, phát triển giống cây trồng, Cty TNHH LongYu Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu tại xã Tân Thịnh với tổng kinh phí 75 tỷ đồng; Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng nhà máy may tại xã Bình Minh; Tổng Cty CP Dệt may Hà Nội đang xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Nam Tiến… Trong 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn huyện đã có 7 dự án đầu tư đi vào hoạt động, 2 cơ sở sản xuất đang khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là trên 400 doanh nghiệp. Trong đó, Cty TNHH Yamani Dynasty đầu tư 14 triệu USD xây dựng nhà máy chuyên sản xuất túi da, ví da, thắt lưng da xuất khẩu trên tổng diện tích 7,8ha tại CCN Nam Hồng. Ngay trong quý I-2013, Cty đã đưa 4 dây chuyền vào sản xuất với công suất từ 300-400 sản phẩm/ngày, thu hút 1.500 lao động. Cty TNHH Kim khí Anh Tú tại CCN Đồng Côi đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép với dây chuyền đồng bộ có tổng kinh phí 150 tỷ đồng. Năm 2013, Cty phấn đấu sản xuất 18 nghìn tấn phôi thép tiêu chuẩn phục vụ ngành xây dựng công nghiệp, tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Nỗ lực tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh nên giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Nam Trực luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện tăng 23,1% so với cùng kỳ. Thời gian tới, Nam Trực tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Hương Tú