Là địa phương có nhiều nghề truyền thống, trên địa bàn xã Nam Thanh (Nam Trực) ngoài làng nghề cơ khí Bình Yên còn có các nghề khác như nghề thổi thủy tinh ở thôn Xối Trì, nghề dệt ở thôn Trung Thắng… Năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt 80 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, làng nghề Bình Yên được hình thành từ năm 1989. Ban đầu mới chỉ có 4 hộ làm nghề dập đúc các loại xoong, chậu nhôm với nguyên liệu chủ yếu nhập từ làng nghề Vân Chàng (xã Nam Giang), đến nay cả làng có 280 hộ với hơn 600 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân đạt từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng, làng nghề Bình Yên xuất bán hơn 100 tấn sản phẩm các loại, thị trường tiêu thụ rộng trong khắp cả nước và xuất khẩu sang các nước Lào, Căm-pu-chia, Ấn Độ…
Sản xuất cốc thủy tinh tại gia đình ông Phạm Tiến Dưỡng ở thôn Xối Trì, xã Nam Thanh. |
Trong làng nghề có hơn 30% số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ các ông Nguyễn Văn Sỹ, Bùi Văn Sinh, Nguyễn Văn Sinh, Bùi Văn Trọng… Tại làng nghề đã hình thành các hộ làm dịch vụ chuyên thu mua, cung cấp nguyên liệu như ông Bùi Văn Mạnh, Trần Văn Chanh, Bùi Văn Thông, Đoàn Văn Học. Ngoài ra, xã có 5 hộ làm nghề thổi thủy tinh tập trung ở thôn Xối Trì chuyên sản xuất các loại cốc, bầu, be, bóng đèn, thu hút hơn 50 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ông Phạm Tiến Dưỡng, thôn Xối Trì cho biết: Mỗi ngày lò thủy tinh của gia đình ông sản xuất được 1.500 chiếc cốc các loại. Bình quân hằng năm gia đình có thu nhập hơn 70 triệu đồng từ nghề làm thủy tinh. Nguyên liệu sản xuất cốc chủ yếu là thủy tinh tái chế được thu mua từ các nơi. Thủy tinh được nấu nóng chảy trong lò nung chịu nhiệt từ 6-8 tiếng với nhiệt độ 800 độ C. Nghề thổi thủy tinh đòi hỏi người lao động ở các công đoạn phải phối hợp nhịp nhàng, chính xác vì thủy tinh nóng chảy sẽ đông lại khi tiếp xúc với không khí. Trung bình công đoạn thổi thuỷ tinh tạo hình mỗi chiếc cốc thành phẩm chỉ làm trong khoảng 1-2 phút, sau đó được ủ trong tro rơm rạ. Sau 18 tiếng, cốc nguội đem rửa sạch và xuất bán. Hiện nay thị trường tiêu thụ cốc thủy tinh truyền thống đã giảm dần nhưng gia đình ông vẫn xuất bán đều đặn cho 2 đại lý lớn trên Hà Nội với tần suất hơn 1.000 cốc mỗi ngày. Ngoài ra, ở xã Nam Thanh hiện vẫn duy trì nghề dệt truyền thống tại thôn Trung Thắng với hơn 60 hộ và nhiều tổ hợp dệt. Thôn Trung Thắng cũng đã thành lập HTX dệt Tiến Sơn tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ làm nghề. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 10 tấn khăn mặt các loại, tạo thêm thu nhập cho các hộ xã viên từ 15-18 triệu đồng/năm. Năm 2012, tổng thu nhập từ làng nghề thôn Trung Thắng đạt 450 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh giá trị kinh tế to lớn từ các làng nghề đem lại, môi trường sống nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do phế thải trong quá trình sản xuất (chất thải rắn, nước và khí thải) nhiều chỉ số quan trắc đã vượt mức báo động cho phép. Theo số liệu của Sở TN và MT, tại làng nghề Bình Yên, hàm lượng phốt pho trong nước thải vượt tiêu chuẩn Việt Nam từ 1,09-7,6 lần; kẽm vượt từ 7,7-33,8 lần… Nguyên nhân do sản xuất của làng nghề được tổ chức theo quy mô hộ gia đình trong các khu dân cư, sử dụng công nghệ thủ công, lạc hậu, ý thức bảo vệ môi trường của người dân kém. Các chất thải từ khói, bụi, chất thải rắn như xỉ than, cặn nhôm và crôm, nước thải đều được các hộ sản xuất xả thẳng ra môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Nam Thanh đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn; tiếp nhận tiểu dự án quản lý chất thải tại làng nghề Bình Yên trị giá khoảng 3 tỷ đồng do Sở TN và MT cùng Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ phối hợp thực hiện, hỗ trợ kinh phí cho các hộ làm nghề xây hố ga, ống khói, thùng nhựa đựng chất thải rắn, trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động... Nhờ được tuyên truyền, vận động đã có 20 hộ chuyên cô nhôm đã chuyển đổi từ lò truyền thống sang lò nhiệt luyện nhôm bằng điện, góp phần giảm thiểu khí thải, xỉ thải ra môi trường. Đặc biệt, sau chuyến đi kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ xã có mặt bằng (3.000m2 đất) để triển khai xây dựng bể thu gom xử lý nước thải của làng nghề, đồng thời cho phép xã Nam Thanh xây dựng quy hoạch CCN rộng 10ha ngay sát với làng nghề. Ngoài ra, xã Nam Thanh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, huy động mỗi người dân đóng góp 60 nghìn đồng/tháng tạo nguồn kinh phí xử lý, bảo vệ môi trường; đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom nước thải tập trung vào bể xử lý. Xã sẽ sử dụng linh hoạt các nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ từ các dự án kết hợp với kinh phí sự nghiệp môi trường của địa phương để tuyên truyền và áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn cho làng nghề, đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường làng nghề./.
Bài và ảnh: Đức Toàn