Kiểm soát chặt chẽ đàn vịt thả đồng để phòng ngừa dịch cúm gia cầm

08:07, 02/07/2013

Với diện tích gieo cấy lúa hơn 75 nghìn ha mỗi vụ, là điều kiện thuận lợi để người dân tỉnh ta hình thành nghề nuôi vịt thả đồng tận dụng lúa rơi vãi sau thu hoạch và nguồn thức ăn cua, ốc, cá... sẵn có trong tự nhiên. Hình thức nuôi này giúp vịt nhanh lớn mà người chăn nuôi cũng không phải đầu tư nhiều vốn, đem lại lợi nhuận khá, song cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là khi dịch cúm gia cầm tái bùng phát thì nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng càng cao... Theo thống kê của Chi cục Thú y và phòng NN và PTNT các huyện, thời gian qua, các hộ chăn nuôi vịt thịt tại các địa phương đón đầu vụ thu hoạch tăng cường nhập con giống để nuôi mới làm cho tổng đàn vịt tăng đột biến, cụ thể tổng đàn vịt tăng từ 1,2 triệu con lên trên 1,6 triệu con. Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi rút gây bệnh cúm xuất hiện thêm nhiều nhánh, chủng mới, ngành thú y và người chăn nuôi trong tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, nhất là trong mùa vịt thả đồng.

Đàn vịt thả đồng của gia đình anh Mai Văn Chương, xóm 19, xã Hải Nam (Hải Hậu).
Đàn vịt thả đồng của gia đình anh Mai Văn Chương, xóm 19, xã Hải Nam (Hải Hậu).

Tại các cánh đồng vừa thu hoạch lúa xuân của xã Xuân Ninh (Xuân Trường), vịt được thả trắng các chân ruộng theo từng đàn với số lượng lớn. Hỏi thăm mới biết đó là đàn vịt của anh Mai Văn Chương, xóm 19, xã Hải Nam (Hải Hậu), một người nuôi vịt có tiếng trong vùng. Do những vụ trước lãi lớn từ nuôi vịt thả đồng, lứa này anh đầu tư nuôi trên 2.000 con vịt thịt. Anh Chương cho biết: Hằng năm, cứ chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa, gia đình anh lại chuẩn bị mua vịt giống về nuôi tập trung trong vườn, đến khi thu hoạch lúa xong thì thả đàn vịt ra đồng tìm thức ăn để đỡ tốn tiền đầu tư thức ăn. Vài ngày sau, khi nguồn thức ăn cạn, anh lại lùa đàn vịt đi nơi khác. Không chỉ gia đình anh Chương mà hầu hết các hộ chăn nuôi vịt ở các địa phương đều tranh thủ tăng đàn trong mùa thu hoạch lúa bởi lợi nhuận từ nuôi vịt chạy đồng mang lại tương đối cao. Theo tính toán của anh Chương, nếu nuôi trong chuồng thì mỗi ngày đàn vịt thịt của gia đình anh sẽ tiêu tốn từ 1-1,5 triệu đồng mua thức ăn. Do đó, nuôi vịt thả đồng không những vịt lớn nhanh mà còn đỡ tốn thức ăn, chỉ mất công chăn thả. Mỗi con vịt thả đồng từ 40-50 ngày có trọng lượng từ 1,7-2kg. Với giá bán hiện tại tuy không được cao, chỉ từ 30-35 nghìn đồng/kg, nhưng trừ chi phí cũng cho lãi từ 30-50 nghìn đồng/con, dự kiến gia đình anh thu lãi từ 70-80 triệu đồng từ nuôi vịt thả đồng. Đặc biệt, trong vụ vịt này, do được tuyên truyền về nguy cơ tiềm ẩn dịch cúm gia cầm và trách nhiệm của người chăn nuôi, anh Chương đã chủ động mua vắc xin thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm đầy đủ cho đàn vịt của gia đình. Là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi nhưng từ nhiều năm trở lại đây, huyện Hải Hậu chưa để xảy ra dịch trên đàn gia cầm. Trong thời gian vừa qua, tổng đàn vịt của huyện tăng lên tới 105 nghìn con, trong đó một số xã có đàn vịt lớn như: Hải Quang 18.850 con, Hải Sơn 11.800 con, Hải Xuân 8.900 con, Hải Nam 6.800 con… Đồng chí Nguyễn Kim Mạnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Những năm qua, hệ thống thú y trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố, đặc biệt hệ thống thú y cơ sở luôn được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người chăn nuôi cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương đã có sự phối hợp tốt với các ngành chức năng trong việc kiểm soát nguồn gốc và tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh của đàn vịt, nguy cơ xuất hiện dịch cúm được hạn chế đến mức thấp nhất. Ngoài ra, để công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho các hộ nuôi hiểu và tự giác mua vắc xin để tiêm cho đàn gia cầm của mình. Bên cạnh đó, các địa phương còn tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, tuyên truyền về tình hình dịch cúm đang xảy ra và có nguy cơ lây nhiễm cao trên đàn vật nuôi và lây lan sang người. Nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên nhiều hộ chăn nuôi đã ý thức được mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đa phần các hộ chăn nuôi vịt trong huyện đều thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường chăn nuôi, khai báo khi có biến động tái, tăng, nhập đàn. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vịt, bổ sung các loại vitamin nhất là vitamin C, khoáng chất khi thời tiết nắng nóng.

Hiệu quả từ chăn nuôi vịt thả đồng là rất lớn, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh gia cầm đang có những diễn biến phức tạp thì việc nuôi vịt thả đồng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về dịch bệnh. Vì vậy, công tác giám sát, kiểm soát đàn vịt trong những thời điểm này là rất quan trọng. Nhằm chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngăn chặn không để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như sức khỏe nhân dân, ngay từ đầu vụ vịt thả đồng, UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo chính quyền các xã đôn đốc trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y xã giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, kiểm tra rà soát nắm chắc tình hình chăn nuôi, tổng đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh nhất là những đàn vịt thịt trên địa bàn; vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi gia cầm, nhất là các hộ nuôi vịt chủ động trong việc mua vắc xin cúm gia cầm A H5N1 chủng Re-6 do Trung Quốc sản xuất để tiêm cho đàn gia cầm từ 14 ngày tuổi trở lên. Trong mùa thả đồng năm nay, nhiều hộ nuôi đã tự giác đăng ký mua vắc xin cúm gia cầm A H5N1 chủng Re-6 để tiêm phòng cho đàn vịt. Trong tháng “Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”, các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi; rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi; định kỳ phun thuốc sát trùng. Trong khâu nhập con giống, hầu hết các hộ đã chọn mua những con vịt giống có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, không cho phép vận chuyển gia cầm ốm chết, từ nơi có dịch vào địa phương. Đồng thời, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Các hộ nuôi bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin cho đàn vịt thả đồng để phòng chống dịch cúm gia cầm. Tuyên truyền cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để các hộ chăn nuôi chủ động tự giác khai báo khi có dịch; không sử dụng sản phẩm gia cầm mắc bệnh; không vứt xác gia cầm chết ra môi trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com