Xã Hải Sơn (Hải Hậu) có 360ha đất cấy lúa. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, vụ mùa năm nay, xã đã đưa các giống lúa Thiên Trường 750, Nam Định 5, CNR02, RVT là những giống có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất, nhằm đẩy nhanh thời vụ để có quỹ đất mở rộng sản xuất vụ đông. Để nâng cao hệ số sử dụng đất nhằm tăng thu nhập cho nông dân, xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây vụ đông năm 2013 trên đất 2 lúa lên 54ha, tạo vùng sản xuất cây vụ đông ở tất cả các xóm, tập trung trồng các cây như: ngô, cải dầu, bí xanh… và giao cho HTXDVNN Hải Sơn chủ động chuẩn bị giống, phân bón đảm bảo sản xuất vụ đông đúng thời vụ và đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân thuộc các xóm 1, 2, 3 còn tích cực cải tạo vườn tạp, tận dụng bờ vùng, bờ thửa, đất trồng màu để mở rộng diện tích trồng mía voi, đây được coi là cây đặc sản của xã. Hiện nay, diện tích trồng mía voi trong xã đã đạt trên 15ha. Ông Nguyễn Văn Hợp, xóm 3 cho biết: Cây mía voi cho thu nhập cao, ít công chăm sóc, chi phí thấp hơn so với cây trồng khác. Mỗi sào mía voi cho thu lãi từ 20-30 triệu đồng.
Xưởng may của gia đình anh Vũ Văn Tuynh, xóm 5, xã Hải Sơn. |
Năm 2012, gia đình ông Hợp thu lãi 80 triệu đồng từ 3 sào mía voi. Trong chăn nuôi, tổng đàn lợn toàn xã duy trì ổn định khoảng 6.500 con, đàn gia cầm 15.000 con. UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, phát động các hộ chăn nuôi rắc vôi bột, vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch lợn tai xanh trên địa bàn; thường xuyên tổ chức thu vớt xác gia súc trôi sông; thành lập các chốt kiểm dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn lợn, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển ngành nghề, tạo việc làm tăng thêm thu nhập. Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở 4 lớp dạy nghề may công nghiệp, khâu áo giáp kiếm, làm hạt cườm cho 120 lao động. Toàn xã hiện có 12 cơ sở may gia công, bình quân mỗi cơ sở có 15-20 máy may, thu hút hàng trăm lao động trong xã vào làm việc với mức thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình anh Vũ Văn Tuynh ở xóm 5 đã thành lập xưởng may tại gia đình, tạo điều kiện cho 25 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài nghề may gia công, nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ của xã cũng ngày càng phát triển với trên 20 cơ sở sản xuất. Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Lại Thế Đổng, xóm 2, với các sản phẩm bàn, ghế, sập, tủ chè, giường…, tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập mỗi lao động mỗi tháng từ 2-5 triệu đồng. Nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ cho gia đình anh thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Hiện trên địa bàn xã có 5/11 làng nghề sinh vật cảnh. Nhiều hộ làm nghề trồng cây cảnh thu lãi hàng tỷ đồng như hộ các ông Trần Văn Trung, Hoàng Việt Dũng, Nguyễn Văn Đông, Trần Văn Quyết… Khi việc tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh gặp khó khăn, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng lớn trên thị trường, nhiều hộ dân trong xã đã tập trung trồng địa lan, coi đây là biện pháp giúp các hộ “lấy ngắn nuôi dài”. Hiện các ngành nghề mộc, nề, cơ khí, may công nghiệp, thêu ren… tiếp tục được các hộ dân trong xã duy trì và ngày càng mở rộng trên địa bàn xã, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp kinh tế của xã phát triển nhanh và bền vững.
Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ phát triển ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, cuộc sống của nhân dân xã Hải Sơn đang ngày càng được cải thiện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh