Giao Thủy tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế

08:07, 15/07/2013

Giao Thủy là huyện ven biển với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thực hiện chương trình phát triển kinh tế, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế biển và tập trung phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác và thu nhập cho nông dân. Huyện đã chỉ đạo việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp với trên 500 máy cày đảm nhiệm 100% khâu làm đất, trong đó loại máy nhỏ đang được thay thế dần bởi các loại máy cỡ lớn và cỡ trung và 30 máy gặt đập liên hợp. Việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân, tạo thuận lợi cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) theo quy trình GAP tại các xã Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Hà… với các giống chủ lực là BC15, BT số 7. Năm 2012, huyện đã triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng cơ chế khuyến khích để từng bước nhân rộng mô hình CĐML và sản xuất vụ đông trên đất hai lúa, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, đối với mô hình CĐML có diện tích từ 30ha trở lên hỗ trợ một lần trên một xứ đồng, nếu thực hiện trong vụ xuân năm 2013 hỗ trợ kinh phí mua giống lúa lai 20 nghìn đồng/sào, lúa thuần 10 nghìn đồng/sào; hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật là 5 triệu đồng/mô hình. Đối với cánh đồng “3 cùng” nếu thực hiện cả 3 vụ (vụ xuân, vụ mùa, vụ đông), huyện hỗ trợ kinh phí mua giống lúa cho cả 2 vụ (vụ xuân và vụ mùa) lúa lai với mức 30 nghìn đồng/sào, lúa thuần 15 nghìn đồng/sào; hỗ trợ kinh phí mua giống cây vụ đông như khoai tây 60 nghìn đồng/sào; bí xanh, bí đỏ, đậu tương, ngô là 30 nghìn đồng/sào; hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật là 5 triệu đồng/mô hình, đồng thời hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn, thẩm định, giải ngân nguồn vốn vay cho các hộ nông dân có nhu cầu mua máy phục vụ sản xuất. Anh Nguyễn Văn Tuấn, xóm Lạc Quần, xã Giao Châu cho biết, gia đình anh đã được tỉnh, huyện hỗ trợ 120 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp. Bình quân mỗi vụ, gia đình anh nhận gặt gần 100 mẫu ruộng, bước đầu mang lại hiệu quả thu nhập cho gia đình. Hiệu quả việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất ở Giao Thủy đã tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và xây dựng NTM ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, huyện đã triển khai xây dựng 11 mô hình CĐML với tổng diện tích 510ha tại 7 xã (Giao Thịnh, Bình Hòa, Giao Châu, Giao Thanh, Giao Tiến, Giao Hà, Giao Xuân) và 5 mô hình cánh đồng “ba cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác) với tổng diện tích 55ha tại 3 xã (Giao Hà, Giao Châu, Giao An). Năng suất lúa vụ xuân 2013 đạt 76,7 tạ/ha, tăng 0,7%  so với vụ xuân năm 2012, so với sản xuất đại trà, CĐML cho năng suất cao hơn 10%; những nơi áp dụng bằng phương pháp gieo sạ, năng suất cao hơn từ 10-15%. Từ thành công này, huyện tiếp tục mở rộng thêm nhiều CĐML trong sản xuất vụ mùa 2013 với mục tiêu 100% số xã, thị trấn có mô hình CĐML và cánh đồng “ba cùng” để thuận tiện cho cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất, giá trị, tạo hiệu quả kinh tế cao. Kết quả, toàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung: cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu. Năm 2012 diện tích gieo trồng là 5.006ha; trong đó, ngô là 381ha, sản lượng là 1.600 tấn; lạc 496ha, sản lượng 1.735 tấn; đậu tương 361ha, sản lượng 491 tấn; rau các loại 2.568ha, sản lượng 29.789 tấn… Năng suất và hiệu quả kinh tế của cây rau màu các loại năm sau đều cao hơn năm trước. Một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như vùng nguyên liệu lạc, khoai tây, rau ở Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Hà.

Phát triển nghề may công nghiệp ở xã Bạch Long.
Phát triển nghề may công nghiệp ở xã Bạch Long.

Trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, huyện đã quy hoạch các vùng nuôi ngao và các nhuyễn thể khác, chỉ đạo các xã, thị trấn nuôi theo hệ thống và xây dựng thêm cơ sở sản xuất giống để cung ứng cho vùng nuôi, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng các vùng nuôi; từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo mặt bãi, nâng dần diện tích nuôi bán thâm canh, thâm canh; mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ” thông qua các chính sách xúc tiến thương mại góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy phát triển sản xuất. Huyện đã thực hiện quy hoạch phân vùng và quản lý nuôi ngao bền vững với 455ha vùng đệm và phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Thủy tiếp tục sử dụng 1.043ha vùng phục hồi sinh thái nuôi ngao; khai thác bền vững sản phẩm thương phẩm và nguồn giống tự nhiên trên vùng bãi triều; chuyển 30ha đang nuôi kết hợp thủy sản nước lợ sang làm mô hình ương nuôi ngao giống. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với an ninh - quốc phòng, phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng và dịch vụ nghề cá, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện Giao Thủy có 9 xã, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển với 22.713 hộ với 85 nghìn dân. Trong những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực cùng với vốn đầu tư của Nhà nước và các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước đã triển khai xây dựng nhiều dự án, công trình mang tính chiến lược nhằm khai thác tiềm năng của biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Dự án nâng cấp Khu du lịch nghỉ mát bãi tắm Quất Lâm; Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng Cồn Ngạn với tổng số tiền là 181,761 tỷ đồng; Dự án kiên cố hóa mặt đê khu vực trọng điểm đê bao Điện Biên xã Giao An với số tiền là 14,817 tỷ đồng; Dự án của Chính phủ và sự giúp đỡ của các tổ chức phi Chính phủ đầu tư xây dựng Vườn Quốc gia Xuân Thủy từ năm 2004 đến nay số tiền là 47 tỷ đồng; Dự án cảng cá Thịnh Lâm; Dự án nâng cấp đường 489… Huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tại các xã Giao Phong, Bạch Long, nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung ở các xã, thị trấn. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản hằng năm bình quân đạt trên 23 nghìn tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng là 14.510 tấn, khai thác là 8.931 tấn).

Trong phát triển CN-TTCN, toàn huyện hiện có 1.640 cơ sở sản xuất CN-TTCN và làng nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 16 nghìn lao động. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều lao động địa phương. Cty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thuỷ chuyên may trang phục thi đấu thể thao xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, EU, Hàn Quốc với năng lực sản xuất mỗi năm trên 2 triệu sản phẩm. Cty đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng thêm 1 xưởng may với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 500 lao động. Cty TNHH May và Thương mại Anh Đức (xã Giao Tân) chuyên gia công các sản phẩm áo giắc-két, quần âu… sản xuất được trên 10 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện ước đạt 255 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong công tác đào tạo nghề, 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho trên 2.700 lao động, đạt 61% kế hoạch, đào tạo nghề mới là 1.791 người. Các ngành nghề được đưa vào đào tạo như may công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản… Nghề sản xuất nước mắm và chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện có 80 cơ sở với gần 2.000 lao động; nghề đan mây tre, móc sợi, thêu ren có 18 cơ sở với 1.640 lao động tham gia. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, công tác giảm nghèo được quan tâm, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 17,19 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 7,89%.

Với những giải pháp phù hợp, hướng đi đúng đắn, huyện Giao Thủy đang tập trung các nguồn lực để khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân./.


Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com