Những năm gần đây, xã Đồng Sơn (Nam Trực) đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã có bước chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn Đồng Sơn đang từng ngày đổi thay.
Những chiếc máy làm đất cỡ lớn, cỡ trung đang dần thay thế cho máy cày tay trên đồng đất Đồng Sơn. |
Xã Đồng Sơn có 3 HTXDVNN là Nam Thượng, Nam Thành và Nam Đồng với tổng diện tích đất gieo cấy lúa trên 1.000ha. Để khắc phục tình trạng đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Qua đó, đã tạo điều kiện để xã quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng, bê tông hóa mặt đường giúp cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Trong quá trình DĐĐT, các hộ dân đã đóng góp đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đến nay, toàn xã đã đắp mới được 50km đường ra đồng, mặt đường rộng 3m. Được UBND xã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, nhiều nông dân trong xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn xã có 15 máy làm đất cỡ lớn, 10 máy làm đất cỡ trung dần thay thế những chiếc máy làm đất cỡ nhỏ, máy cày tay. Năm 2013, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất toàn xã đạt 100% diện tích cấy lúa. Với gần 1 mẫu ruộng cấy lúa, trước đây mỗi khi bước vào thời vụ gia đình ông Vũ Ngọc Quang, xóm 9 rất khó khăn trong việc thuê máy làm đất, ảnh hưởng tới thời vụ gieo cấy... Năm 2009, ông Quang đã đầu tư 300 triệu đồng mua 2 chiếc máy làm đất công suất mỗi chiếc 40CV để phục vụ cho sản xuất và làm dịch vụ cho nông dân trong xã. Ông Quang cho biết: Mỗi vụ, gia đình ông làm đất dịch vụ cho các hộ trong xã với tổng diện tích trên 25ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Cuối năm 2010, gia đình ông tiếp tục đầu tư 170 triệu đồng mua 1 máy gặt đập liên hợp để thực hiện khép kín từ khâu làm đất đến thu hoạch lúa… Để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu gieo cấy, vụ xuân năm 2010, xã Đồng Sơn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Nam Trực tổ chức thực hiện thí điểm mô hình gieo sạ hàng trên 30ha cấy lúa tại HTXDVNN Nam Thành. Đồng chí Tống Mạnh Ký, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban nông nghiệp xã cho biết: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ tiết kiệm được giống, giảm công lao động nặng nhọc, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 3-5 ngày và năng suất cao hơn so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Từ hiệu quả của mô hình trên, diện tích gieo sạ hàng của xã được mở rộng qua từng vụ. Vụ xuân 2013, diện tích gieo sạ hàng của xã chiếm trên 50% tổng diện tích gieo cấy lúa, vụ mùa chiếm 30% diện tích. Hiện, toàn xã có 60 chiếc máy gieo sạ hàng. Trong các khâu chăm sóc lúa, nhiều hộ dân đã đầu tư máy cắt cỏ bờ, bình phun thuốc trừ sâu gắn động cơ và máy bơm nước… để tăng năng suất lao động. Để đẩy nhanh thời vụ gieo cấy, xã đã tổ chức đoàn tham quan, học tập các mô hình sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch tại các địa phương trong tỉnh. Đầu năm 2010, được xã hỗ trợ, tạo điều kiện, anh Vũ Văn Bàng, xóm 14 đã đầu tư 200 triệu đồng mua một chiếc máy gặt đập liên hợp. Ưu điểm của thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp là thời gian thu hoạch lúa nhanh, giảm công lao động nặng nhọc cho nông dân, tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ rơi vãi... Bên cạnh đó, việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp còn khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau thu hoạch. Từ nhu cầu của nông dân, một số hộ trong xã như hộ các ông Đỗ Thanh Bình, Vũ Văn Lương, Vũ Văn Dân… đã đầu tư mua máy, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp toàn xã lên 7 chiếc. Đến nay, diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp của xã chiếm 70-80% tổng diện tích gieo cấy lúa. Trong sản xuất vụ xuân và vụ mùa năm nay xã Đồng Sơn đều tổ chức xây dựng 3 CĐML tại 2 HTXDVNN Nam Đồng và Nam Thành với tổng diện tích 126ha. Cả 3 mô hình CĐML đều cơ giới hoá từ khâu làm đất đến thu hoạch. Thực tế đã khẳng định vai trò quan trọng của cơ giới hóa đối với sản xuất nông nghiệp tại xã Đồng Sơn. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Đồng Sơn tiếp tục tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các loại máy vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh