Công tác dồn điền, đổi thửa ở Giao Hà

07:07, 18/07/2013

Nói về hiệu quả trong công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), đồng chí Đoàn Văn Nam, Bí thư Đảng uỷ xã Giao Hà (Giao Thuỷ) cho biết: “Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức thực hiện, chỉ sau 6 tháng triển khai, xã đã hoàn thành nhiệm vụ DĐĐT, đạt được các mục tiêu đề ra. Đặc biệt cách nghĩ, cách làm được áp dụng sau DĐĐT đã đưa sản xuất nông nghiệp của xã có những bước đột phá theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung với các vùng chuyên canh và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới…”.

Thu hoạch lúa xuân bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Giao Hà.
Thu hoạch lúa xuân bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Giao Hà.

Là 1 trong 5 xã triển khai làm điểm DĐĐT của huyện Giao Thuỷ, Đảng uỷ, UBND xã Giao Hà đã tập trung chỉ đạo, huy động các đoàn thể tập trung tuyên truyền để nhân dân tự giác thực hiện và chọn đơn vị xóm là nơi tổ chức thực hiện việc DĐĐT. Qua họp dân, phổ biến thống nhất phương pháp, được nhân dân đồng thuận, xã đã gom toàn bộ ruộng đang canh tác, sau khi làm xong giao thông nội đồng mới giao lại ruộng ngoài thực địa cho nông dân. Sau DĐĐT bình quân còn 1,3 thửa/hộ, giảm 0,5 thửa/hộ so với trước. Tất cả các bờ thửa được thay bằng các cọc mốc chắc chắn và những bờ gió khi cấy lúa xong. Các thửa đất công được dồn về một vùng. Các vùng chuyên canh: lúa chất lượng cao, lúa cao sản, vùng vụ đông… được quy hoạch đi kèm hệ thống giao thông, thuỷ lợi hoàn chỉnh. Ruộng của các hộ dân đi làm ăn xa không trực tiếp sản xuất được quy về một vùng. Qua DĐĐT, các hộ đã góp 18 nghìn m2 đất để làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng và các công trình phúc lợi công cộng. Toàn bộ hệ thống giao thông nội đồng được đắp dài hàng chục km với đường trục chính rộng 5m; 100% hệ thống kênh mương cấp III, cấp II được nạo vét, nâng cấp và lắp đặt trên 3.500 cống bi các loại, thuận tiện cho việc tưới, tiêu. Sau DĐĐT, đồng ruộng của xã được chỉnh trang và ngay vụ mùa năm 2012 cánh đồng Sơn Hà rộng 40ha của 4 xóm: 9, 10, 11, 12 đã được người dân đồng lòng xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với sự hỗ trợ của Cty Phân bón Bình Điền (Long An) và Cty CP Thuốc bảo vệ thực vật Trung ương I. Chỉ trong 2 ngày 11 và 12-7, toàn bộ 40ha đã cấy xong cùng 1 giống lúa chất lượng cao. Do cùng một phương thức chăm bón, bảo vệ nên CĐML Sơn Hà đã thu hoạch gọn trong 2 ngày, năng suất  bình quân đạt 67 tạ/ha. So với các cánh đồng khác năng suất cao hơn hẳn, đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm được chi phí đầu vào, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật… Trước khi thu hoạch Đảng uỷ xã đã tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ CĐML Sơn Hà để bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể xóm khác học tập cách làm, cách tổ chức nhân rộng. Từ mô hình CĐML Sơn Hà, vụ xuân 2013 cả xã đã xây dựng được 5 CĐML, chiếm 80% tổng diện tích sản xuất lúa của xã với 2 giống lúa chủ lực là BT7 (giống chất lượng cao) và giống lúa lai CT16 năng suất cao, chất lượng khá. Ngoài áp dụng cấy cùng trà, cùng giống, cùng phương thức chăm sóc theo tiêu chí CĐML, 5 CĐML vụ xuân 2013 của xã thực hiện kỹ thuật canh tác mới: gieo mạ nền thưa, nếu trước kia gieo 5m2 cho 1 sào ruộng cấy, vụ này gieo 9m2 để cấy 1 sào nên mạ to cây, đanh dảnh, khoẻ, phát triển nhanh khi cấy xuống ruộng; cấy ít dảnh, mỗi khóm 1-2 dảnh thay cho trước kia cấy 4-5 dảnh/khóm; cấy thưa 28-30 khóm/m2 thay cho tập quán cấy dày 38-40 khóm/m2… Đồng thời, bón cân đối NPK cho lúa gọn trong 3 lần: bón lót, bón thúc lần 1, bón thúc lần 2 và kết thúc bón đạm sớm. Vụ xuân này năng suất lúa bình quân của xã đạt 73 tạ/ha; trong đó năng suất lúa BT7 đạt 210 tạ/ha, giống lúa CT16 đạt 78 tạ/ha. Riêng ở CĐML năng suất lúa đều tăng trên dưới 10% so với đại trà. Phương pháp canh tác trên đã giảm được chi phí đầu vào do cấy thưa, cấy ít dảnh và giảm được 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với đại trà và giảm so với các vụ trước 1-3 lần. Từ DĐĐT quỹ đất công được quy gọn vùng, vụ xuân này xã đã tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện thực hiện mô hình cấy lúa “áp dụng “ba giảm, ba tăng” và kỹ thuật trồng lúa theo SRI” trong sản xuất lúa chất lượng với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất lúa; giảm chi phí đầu vào (vật tư: thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giảm nước tưới, giảm công lao động…), các đối tượng sâu bệnh cũng ít hơn so với cấy đại trà 1,5 lần, cả vụ chỉ sử dụng 1 lần thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, khô vằn; bón đủ nhu cầu cân đối đạm, lân, kali và bón thúc sớm nên tiết kiệm được 3-4kg đạm/sào; lúa đẻ nhánh khoẻ, tập trung; bông lúa to, chắc, năng suất cao hơn 19kg/sào (tăng 7% năng suất) so với ngoài mô hình, lãi so với ngoài mô hình 170 nghìn đồng/sào (trên 4,7 triệu đồng/ha). Vụ mùa 2013, xã tiếp tục xây dựng 5 CĐML, riêng 100ha CĐML cấy trà mùa sớm bằng các giống QR1, DQ11, RVT thay cho giống lúa BT7. HTX và nông dân liên kết với Cty CP Giống cây trồng Trung ương cung ứng giống và bao tiêu một phần sản phẩm, cấy ngay đầu tháng 7, cho thu hoạch sớm để phát triển cây vụ đông. Dự kiến CĐML vụ đông của xã năm 2013 đạt diện tích 50ha với 3 cây trồng chủ lực: khoai tây Đức trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ 5ha, ngô nếp 10-15ha, còn lại là ngô lương thực năng suất cao. Ngoài ra, cánh đồng Sơn Hà, Sơn Long trồng rau, trong đó 10ha sản xuất rau an toàn VietGAP.

Sau DĐĐT, việc chỉnh trang lại đồng ruộng cùng với đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường đã và đang tạo ra “cú hích” mới cả về nếp nghĩ, cách làm, phương pháp chỉ đạo điều hành sản xuất ở Giao Hà. Đồng chí Bùi Thanh Hoè, chủ nhiệm HTXDVNN Giao Hà cho biết, nhờ làm tốt công tác DĐĐT, sản xuất nông nghiệp đang tiến những bước vững chắc, khâu làm đất, khâu thu hoạch đã cơ bản được cơ giới hoá. Cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ, năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đang chuyển đổi rõ rệt theo từng vụ, từng năm. Điều HTX đang trăn trở là đưa nhanh tiến bộ gieo sạ trong vụ xuân, cấy bằng máy trong vụ mùa để giảm cơ bản lao động nặng nhọc và bảo đảm thời vụ với luân canh 3 vụ trong năm. Đặc biệt là liên doanh, liên kết với các địa phương và các doanh nghiệp tìm đầu ra cho cây vụ đông để mở rộng diện tích gieo trồng, đưa vụ đông thành vụ sản xuất hàng hoá, tạo thu nhập chính trong năm cho nông dân và sản xuất nông nghiệp của địa phương… Với việc tích cực đổi mới sản xuất cùng với thiết chế kinh tế nông nghiệp mới, Giao Hà đang xây dựng NTM bằng chính nội lực và phát triển sản xuất một cách sáng tạo sau DĐĐT./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com