Chồn nhung

06:07, 26/07/2013

Cả trăm hộ nông dân ở các xã Giao An, Giao Thanh, Giao Thiện, Giao Xuân (Giao Thủy) đang điêu đứng vì nuôi chồn nhung. Theo điều tra của các phóng viên, giá trị thực trên thị trường của chồn nhung chỉ khoảng 200.000 đồng/đôi, song loài động vật gặm nhấm du nhập từ Nam Mỹ này đã được đẩy giá lên gấp hàng chục lần và thâm nhập vào các vùng nông thôn qua "chiêu trò" kinh doanh đa cấp trá hình; nhiều hộ dân với ước mơ "làm giàu siêu tốc" đã không ngần ngại thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, vay nóng đầu tư hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để tham gia mô hình nuôi chồn nhung. Người cung cấp con giống chồn nhung là ông Đoàn Việt Châu (xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Hàng trăm hộ nông dân của nhiều xã ở huyện Giao Thủy đã đổ xô tham gia mô hình theo bài toán kinh tế được người bán "vẽ" ra, mỗi cặp chồn bố mẹ đẻ 3-4 lứa/năm, mỗi lứa từ 1-4 con, trung bình cho 8-9 chồn con. Như vậy, đầu tư 40 triệu đồng nuôi 10 cặp chồn bố mẹ, sau 1 năm có 80-90 chồn con, thu 80-90 triệu đồng, lãi hơn nhiều so với nuôi lợn nái (?!) Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn mô hình của ông Châu đã lộ rõ là đường dây lừa đảo. Nhiều hộ cho biết: Ông Châu đã không thực hiện cam kết bao tiêu đầu ra theo hợp đồng, chỉ mua vài con thời gian đầu với giá 1 triệu đồng/con, thanh toán đầy đủ (khiến người nuôi không mảy may nghi ngờ), sau đó người nuôi chồn không thể liên lạc được với ông Châu. Thậm chí, đích thân Chủ tịch UBND xã Giao An đã nhiều lần gọi điện cho ông Châu đề nghị thanh toán nhưng cũng không liên lạc được. Thịt chồn nhung khó ăn vì rất nhão, nhạt, nên các hộ khi phá đàn phải cho chồn nhung vào bao tải đem chôn, vì nếu để xổng ra ngoài sẽ rất nguy hại cho môi trường. Một số hộ nuôi đã tự phá đàn khi biết bị lừa đảo, có người dự tính sẽ nhờ đến cơ quan pháp luật can thiệp, tuy nhiên dù sao những hộ tham gia đều đã "tiền mất, tật mang"(!)

Nhiều hộ dân điêu đứng vì nuôi chồn nhung đen. Ảnh minh họa/Internet.
Nhiều hộ dân điêu đứng vì nuôi chồn nhung đen. Ảnh minh họa/Internet.

Sự việc này đặt ra một số vấn đề về công tác quản lý cần được các cấp, các ngành chức năng và bà con nông dân quan tâm. Từ cuối tháng 12-2012, việc nuôi chồn nhung "đa cấp" đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng với những phân tích rất cụ thể, rõ ràng về những chiêu thức lừa nông dân. Đại diện các cơ quan chuyên môn của Bộ NN và PTNT đã khẳng định chồn nhung không có trong danh mục vật nuôi quy định trong nước. Thậm chí "theo Chủ tịch UBND xã Giao An cho biết, chính quyền địa phương đã thông báo trên đài phát thanh xã cảnh báo bà con nhưng nhiều hộ vẫn ngấm ngầm nuôi" (Báo Tin tức điện tử - TTXVN). Đây không phải lần đầu tiên bà con nông dân bị thiệt hại vì việc tự ý nuôi, trồng các loài cây, con lạ. Nền nông nghiệp trong nước nói riêng, môi trường sinh thái nói chung đã và đang phải gánh chịu những thiệt hại lâu dài, không thể tính đếm do những sinh vật, thực vật ngoại lai. Rõ ràng, ở đây có sự thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, kiểm soát của các cấp, các ngành chức năng, trong khi loài vật này không có trong danh mục con vật nuôi được Nhà nước cho phép nhưng cơ quan quản lý mới chỉ dừng ở cảnh báo chứ không cấm, trong khi bà con thiếu thông tin nên mới "liều nuôi". Với hệ thống đầy đủ các tổ chức, đoàn thể, nhất là lực lượng cán bộ thú y... ở cơ sở, dù bà con "ngấm ngầm" nuôi thì địa phương cũng không thể không biết để có biện pháp quản lý ráo riết, chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ người nông dân. Công nghệ thông tin, mạng internet đã về đến tận các xã, thị trấn, thôn, làng, người nông dân không khó để tra cứu, tìm hiểu nhằm tránh được hậu quả đáng tiếc ấy nếu được sự hướng dẫn đầy đủ, trách nhiệm hơn.

Mấy năm trước, trò lừa đảo trá hình "kinh doanh đa cấp" đã quét qua biết bao vùng nông thôn, gây thiệt hại không chỉ về vật chất mà cả tinh thần, làm mất tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm... chỉ vì những chiếc "bánh vẽ" siêu lợi nhuận nhờ kinh doanh đa cấp. Nhưng nếu như trước đây sản phẩm của kinh doanh đa cấp chỉ là các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, thì nay các đối tượng đã sử dụng đến cả các loại vật nuôi, lợi dụng tình trạng người nông dân đang băn khoăn trước câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì?" để có lãi. Đáng ngại hơn nữa, gần đây những đối tượng kinh doanh đa cấp đã dùng chiêu thức thông qua các tổ chức, đoàn thể cơ sở, tổ chức tặng quà... nhằm lợi dụng uy tín, vai trò của các tổ chức này để đánh lừa người dân cả tin. Để bảo vệ quyền lợi người nông dân, bảo đảm ANCT-TTATXH, các cấp, các ngành, các địa phương cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm với nông dân, một mặt xây dựng các mô hình, phương thức sản xuất hiệu quả để bà con yên tâm làm theo; mặt khác cần tuyên truyền, trang bị cho bà con những kiến thức và công cụ cần thiết để bà con nâng cao cảnh giác, nhận biết được các chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi. Đối với bà con nông dân, cần hết sức cảnh giác trước những mô hình sản xuất, kinh doanh cây, con mới được quảng cáo là siêu lợi nhuận không phải do các ngành chuyên môn, HTX tổ chức. Hiện tại, các ngành chức năng của tỉnh đều đã có trang tin điện tử với đầy đủ thông tin cần thiết cho bà con tra cứu, tìm hiểu về những mô hình sản xuất mới, tại các xã đã có nhiều điều kiện để bà con tiếp cận thông tin mạng nhờ các chương trình viễn thông công ích. Đặc biệt việc quản lý thị trường cây, con giống, quản lý chăn nuôi, nhất là các đối tượng nuôi mới, lạ cần được tăng cường chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa, không chỉ để bảo vệ người nông dân mà là cả nền kinh tế nông nghiệp./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com