Trong quá trình phát triển, các KCN của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường do chất thải, đặc biệt là nước thải công nghiệp. Kết quả quan trắc nước thải công nghiệp cho thấy, nước thải của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN tỉnh hầu hết đều có thông số tồn dư vượt quy chuẩn cho phép. Nước thải từ các KCN và nước mặt các thuỷ vực tiếp nhận nước thải từ các KCN (sông Vĩnh Giang, sông Liên Hương) đã có dấu hiệu bị ô nhiễm các thành phần COD, BOD, SS, phốt pho, coliform... Về khí thải, mỗi ngày các KCN sử dụng hàng trăm tấn than và các loại nhiên liệu, nhưng khí thải chưa được xử lý triệt để theo quy định. Hầu hết các đơn vị chỉ xây dựng ống khói có hệ thống lắng bụi, còn khí thải được đẩy lên cao và xả thẳng ra môi trường, gây độc hại môi trường khí thở. Tại các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cơ khí và các đơn vị có sử dụng sơn dung môi chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc thu gom và xử lý khí thải…
Vận hành xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá (TP Nam Định). |
Trước thực trạng này, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp tại các KCN. Hằng năm, Ban quản lý các KCN tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật BVMT cho các doanh nghiệp KCN; lắp đặt pa-nô tuyên truyền về công tác BVMT tại các KCN Hòa Xá (TP Nam Định), Bảo Minh (Vụ Bản). Ngoài ra, Ban quản lý các KCN tỉnh còn sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để mua sắm máy đo, thiết bị khảo sát, quan trắc nước thải, khí thải tại các địa điểm trong KCN. Đối với các dự án mới đầu tư trong các KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh đã yêu cầu chủ dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phải ký cam kết BVMT, được Sở TN và MT thẩm định, phê duyệt trước khi đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép đầu tư xây dựng dự án. Ban quản lý các KCN tỉnh còn chủ trì, phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường có liên quan. Qua các đợt kiểm tra, đã lập biên bản về các tồn tại, thiếu sót trong công tác BVMT của các đơn vị và hướng dẫn, yêu cầu đơn vị khắc phục tồn tại. Nhờ đó, việc chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp trong các KCN ngày càng được nâng lên. Cty CP Bia NaDa, chuyên sản xuất đồ uống tổng hợp tại KCN Hòa Xá đã chủ động xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất, nên 18 thông số đánh giá mẫu nước thải của Cty đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Cty TNHH Sungnam Knitting Mills hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm và hoàn tất các sản phẩm, đã chủ động xây dựng hạ tầng, thiết bị xử lý sơ bộ nước thải của đơn vị gồm nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt, trước khi thải ra cống chung của KCN Hòa Xá. Cty CP Dệt may Sơn Nam đã đầu tư xây dựng hệ thống bể phốt để xử lý nguồn nước thải trước khi thải ra cống chung của KCN Hòa Xá, vì vậy các thông số giám sát trong 3 năm liên tiếp đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. Hiện nay, hầu hết các dự án tại các KCN của tỉnh đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký cam kết BVMT và được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động hoặc cấp phép theo đúng quy định. Các doanh nghiệp đã chủ động tiến hành quan trắc môi trường định kỳ để tự giám sát hoạt động BVMT của đơn vị. Các doanh nghiệp chỉ có nước thải sinh hoạt đều đầu tư xây dựng bể tự hoại 3 ngăn kiểu mới, hiện đại có thể tích phù hợp với số lượng người dùng, vận hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nước thải đầu ra đảm bảo. Các doanh nghiệp có nước thải sản xuất cũng đã xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải và nước mưa riêng. Theo kết quả quan trắc của các đơn vị chức năng, chất lượng môi trường nước thải của KCN Hòa Xá qua các năm đã được cải thiện, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2009 có 5 thông số vượt quy chuẩn cho phép: TSS, COD, BOD, tổng coliform, tổng phốt pho; năm 2010 có 2 thông số vượt quy chuẩn cho phép: COD và tổng coliform; năm 2011 không có thông số vượt quy chuẩn. Hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đều đã đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và được Sở TN và MT cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; thực hiện việc thu gom chất thải rắn sản xuất và chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn với Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Nam Định. Các đơn vị còn lại đã thu gom chất thải rắn để bán cho các đơn vị thu mua làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng nỗ lực huy động, sử dụng đúng nguồn kinh phí để đầu tư các công trình BVMT chung trong tổng thể hạ tầng các KCN. Đến nay, KCN Hoà Xá đã cơ bản trồng xong hệ thống cây xanh theo quy hoạch, đã xây dựng xong hồ điều hoà rộng gần 1ha làm diện tích mặt thoáng, điều hoà không khí; hoàn thành xây dựng trạm trung chuyển chất thải nguy hại; đầu tư hoàn chỉnh hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải; hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động trạm xử lý nước thải tập trung, công suất giai đoạn I là 4.500m3/ngày đêm. Tại KCN Bảo Minh và KCN Mỹ Trung đang triển khai trồng cây xanh trong KCN và xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải theo tỷ lệ lấp đầy; đang lập dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất dự kiến là 2.500m3/ngày đêm đối với KCN Mỹ Trung và 20.000m3/ngày đêm đối với KCN Bảo Minh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý