Nỗi lo vẫn thường trực

06:06, 22/06/2013

Đợt bùng phát dịch lợn tai xanh vừa qua tại các huyện Trực Ninh, Xuân Trường và xã Hải Đường (Hải Hậu) đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi tỉnh ta. Sau khi dập được dịch, việc tái đàn lợn gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn tăng cao, giá bán lợn thấp, cùng với nỗi lo về nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Văn Dương, thôn 3, xã Trực Đạo (Trực Ninh) chăm sóc đàn lợn nái chờ tái đàn sau dịch lợn tai xanh.
Ông Nguyễn Văn Dương, thôn 3, xã Trực Đạo (Trực Ninh) chăm sóc đàn lợn nái chờ tái đàn sau dịch lợn tai xanh.

Vừa qua, UBND tỉnh đã công bố hết dịch lợn tai xanh trên địa bàn huyện Trực Ninh, Xuân Trường và xã Hải Đường (Hải Hậu). Các hoạt động liên quan đến chăn nuôi lợn: giết mổ, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển trở lại bình thường. Những tưởng sẽ mang lại niềm vui cho nông dân khi được trở lại sản xuất, tuy nhiên khi chúng tôi đến thăm một số trang trại, gia trại xảy ra dịch bệnh hầu hết các chủ chăn nuôi đều chán nản. Ông Nguyễn Văn Dương, thôn 3, xã Trực Đạo (Trực Ninh) thành lập trang trại chăn nuôi tổng hợp đã gần 7 năm, tổ chức chăn nuôi lợn áp dụng phương thức tự sản xuất con giống và nuôi lợn siêu nạc thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa. Trước dịch lợn tai xanh, ông đã gây dựng được đàn lợn với 20 con lợn nái, 110 con lợn thương phẩm và lợn con. Đợt dịch lợn tai xanh vừa qua gia đình ông như "ngồi trên đống lửa" khi đàn lợn mắc dịch. Ông đã phải tiêu hủy 2 con lợn nái và 42 con lợn thương phẩm, tổng trọng lượng tiêu hủy là hơn 2,5 tấn, một số con trong tình trạng ốm, yếu. Hơn nữa, đúng thời điểm xảy ra dịch lợn tai xanh, ông có lứa lợn đã đến kỳ xuất bán nhưng vì nằm trong vùng có dịch, nên phải giữ lại nuôi, chi phí thức ăn hằng ngày cùng với công chăm sóc đội lên 500-700 nghìn đồng mỗi ngày. Khi dịch lợn tai xanh qua đi, trang trại của ông mới chỉ bán được 22 con lợn, giá quá thấp, mỗi con lợn xuất chuồng lỗ ít nhất 200 nghìn đồng. Cũng may ngoài chăn nuôi lợn, ông còn làm thêm các dịch vụ vật tư nông nghiệp khác, nên có nguồn khác bù lỗ cho chăn nuôi. Nhiều trang trại trong xã chỉ chuyên chăn nuôi hầu hết không còn vốn để tái đàn. Không chỉ những hộ có lợn bị dịch lâm vào cảnh “điêu đứng” mà cả những hộ trong vùng dịch có đàn lợn khỏe mạnh cũng “dở khóc, dở cười”, do phải chấp hành lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không thể tiêu thụ được đàn lợn đã đến kỳ xuất chuồng, thêm nữa tâm lý người tiêu dùng vẫn sợ mua phải thịt lợn ốm nên nhu cầu tiêu thụ chậm. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn tiếp tục “treo” chuồng hoặc giảm đàn, do không chỉ thấp thỏm lo âu dịch bệnh rình rập, mà người nuôi lợn còn bị ám ảnh bởi chi phí đầu vào và giá cả đầu ra. Theo hạch toán của các hộ chăn nuôi lợn, giá thành 1kg lợn hơi trung bình 35-45 nghìn đồng (tùy theo công nghệ chăn nuôi). Trong khi đó, nếu năm 2011 lợn siêu nạc xuất chuồng giá bán 62-67 nghìn đồng/kg hơi, được xem là cao nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi, thì đến nay chỉ còn 40 nghìn đồng/kg; giá thịt lợn thường cũng xuống còn 30-34 nghìn đồng/kg, đối với lợn quá lứa giá còn thấp hơn nữa. Tính ra người chăn nuôi, kể cả nhỏ lẻ, đến các trang trại tập trung cầm chắc thua lỗ từ 200-700 nghìn đồng/con. Trong khi giá thịt lợn thương phẩm xuống quá sâu, giá sản phẩm thức ăn, nguyên liệu thức ăn cho ngành chăn nuôi lại liên tục tăng, khiến chi phí đầu vào “đội” lên quá cao. Liên tục từ năm 2010 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-40%. Giá nguyên liệu, thức ăn liên tục tăng cao, song giá thành sản phẩm lại biến động theo chiều ngược lại đã đẩy người chăn nuôi vào tình trạng khó khăn. Trong đợt dịch vừa qua, tỉnh ta phải tiêu hủy gần 190 tấn lợn bệnh. Với tình hình hiện nay nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nuôi lợn, còn các trang trại đang khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để tái đàn. Ông Lương Hồng Nhị ở xóm 2, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) nuôi 60 con cũng bị ảnh hưởng đợt dịch lợn tai xanh vừa qua, cho biết: Đối với người chăn nuôi, khó khăn lớn nhất là giá đầu ra sản phẩm và thức ăn chăn nuôi. Nếu giá đầu ra cứ thấp như hiện nay và chi phí thức ăn cao, người chăn nuôi sẽ buộc phải chuyển hướng sản xuất.

Qua thực tế những đợt xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong các năm gần đây, hầu hết người chăn nuôi đều ngại đầu tư hay tái đàn. Bài toán về kinh tế trong chăn nuôi không chỉ tạo ra áp lực đối với các hộ chăn nuôi tỉnh ta mà còn là thực trạng chung của ngành chăn nuôi hiện nay. Mỗi khi có dịch bệnh bùng phát thì nỗi lo lại đến với người nông dân không chỉ vì dịch mà "hậu" dịch vẫn chưa yên tâm để tiếp tục đầu tư tái đàn. Tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu nguồn thực phẩm cho tiêu dùng, làm tăng giá các loại thực phẩm khác, tạo "cơ hội" cho thịt lợn không rõ nguồn gốc chen vào thị trường. Vì vậy, các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn cần tích cực vào cuộc, tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp khuyến khích người dân duy trì đàn lợn nái để tái đàn, kết hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các vùng nhân giống tập trung tại các địa phương, trang trại để sản xuất nguồn giống tốt, bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của người chăn nuôi. Tiếp tục khuyến khích nông dân phát triển cây trồng vụ đông trên đất hai vụ lúa, đặc biệt là phát triển những cây trồng làm thức ăn trong chăn nuôi để sản xuất và cung ứng nguồn nguyên liệu thức ăn tại chỗ. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người chăn nuôi được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi, tạo tâm lý ổn định cho người chăn nuôi sau các đợt dịch bệnh, yên tâm tái đàn. Để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi do dịch bệnh gây ra, mỗi hộ chăn nuôi cần chủ động nâng cao ý thức trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực chuồng trại, tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn gia súc và phải thông báo cho cơ quan chuyên môn khi thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường để kịp thời điều trị, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Để từng bước thúc đẩy ngành chăn nuôi tỉnh ta phát triển ổn định, bền vững trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cùng với việc đặt công tác phòng dịch lên hàng đầu thì cũng cần có chính sách bảo hiểm trong chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung để hạn chế thiệt hại, rủi ro bảo vệ người chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com