Nhờ tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề truyền thống nên đời sống của nhân dân xã Xuân Phương (Xuân Trường) đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt nghề thêu tay có từ lâu đời là nguồn thu chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 20 triệu đồng/năm.
Cơ sở thêu Kim Hoàn của anh Đinh Minh Hoàng ở xóm Bắc, thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương thu nhập bình quân 100-150 triệu đồng/năm. |
Hiện nay, nghề thêu tranh ở thôn Phú Nhai đang thu hút 113 hộ, với 387 lao động tham gia làm nghề. Mặt hàng thêu truyền thống của làng nghề chủ yếu là trang phục, vật dụng phục vụ sinh hoạt tôn giáo như màn chân, áo lễ, du kiệu thánh thể, áo tượng, áo kiệu, cờ, lọng, hoành phi câu đối, bức trướng… Ông Đinh Kim Tiến, tổ trưởng tổ quản lý làng nghề cho biết, nghề thêu truyền thống của thôn Phú Nhai có từ đầu thế kỷ XX. Đến nay, thôn Phú Nhai có khoảng 20 xưởng thêu lớn và hàng trăm khung thêu nằm rải rác trong các hộ dân, thu hút hơn 350 tay kim với thu nhập ổn định bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Ở thôn Phú Nhai có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề thêu tới 5 đời như ông Đinh Văn Nam, Đinh Văn Chính. Bình quân thu nhập của các xưởng thêu trong làng nghề đạt từ 100-150 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động. Anh Đinh Minh Hoàng, chủ cơ sở thêu Kim Hoàn cho biết, gia đình đã có 4 đời làm nghề thêu truyền thống. Hiện tại, gia đình anh làm các loại tranh thêu, hoành phi câu đối, trướng của nhà thờ, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập bình quân từ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Hoàng, trước kia thợ thêu ở thôn Phú Nhai dùng chỉ màu tự nhiên nhuộm từ củ nâu, củ nghệ, lá móng, lá hoe, lá chòm, vỏ sò… với năm màu chỉ cơ bản là vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Đến nay, trên thị trường đã có thêm nhiều loại chỉ màu nhân tạo đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, đa dạng và tinh tế. Hiện nay mặt hàng tranh thêu trang trí đang được thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ trong thôn Phú Nhai đã tập trung đầu tư phát triển. Chị Trần Thị Hải ở xóm 1 cho biết, tranh thêu có thể được dùng làm quà tặng, vật kỷ niệm, trưng bày nội thất. Đối với các loại sản phẩm này, yêu cầu về đường nét và kỹ thuật rất cao. Trong đó, thêu, tỉa là những kỹ năng cơ bản nhất của một người thợ. Để có sản phẩm đẹp, đường chỉ phải điêu luyện, mịn màng, chân chỉ lẩn càng kỹ bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao bấy nhiêu. Để có một sản phẩm đẹp cần rất nhiều kỹ thuật thêu như thêu nối đầu, thêu chăng chặn, sa hạt, lướt vặn, bó bạt, đâm xô, kim tuyến… Cùng với kỹ thuật, tài hoa của bàn tay người thợ, việc chọn mẫu mã sao cho phù hợp với yêu cầu khách hàng, sở thích, chọn màu và phối màu chỉ thêu cũng khá công phu. Mẫu thêu thường được lấy từ tranh, ảnh của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng, chụp lại trên giấy can, đồ lại bằng kim sau đó chuyển tải mẫu vẽ lên vải trắng bằng cách dùng kim thêu xăm những đường nét hoa văn, rắc bột màu, dầu hoa lên mẫu. Tiếp đó, phần công việc đòi hỏi sự khéo léo và nhẫn nại nhất của nghệ nhân thêu mới bắt đầu. Bình quân mỗi tháng cơ sở thêu tranh của chị Hải bán hơn 30 bức tranh các loại với giá trung bình từ 1-5 triệu đồng/bức với nhiều chủ đề như: Cảnh quê, khúc hát thanh bình, chợ về chiều… với khổ rộng từ 1,8x1,3m và các bức tranh thêu tay cỡ nhỏ như tranh phong cảnh quê hương, tranh tứ bình với kích cỡ 30x50cm… Hiện, cơ sở thêu tranh của chị Hải tạo việc làm cho 30-40 lao động với mức khoán theo sản phẩm từ 500-600 nghìn đồng/bức tranh khổ nhỏ. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí cơ sở thêu của chị Hải thu lãi hơn 300 triệu đồng. Để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, cơ sở đã liên kết với Cty XQ Việt Nam (Huế) nhận bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm tranh thêu truyền thống xuất khẩu.
Những năm gần đây Đảng uỷ, UBND xã đã tạo mọi điều kiện cho các cơ sở duy trì và phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và quảng bá sản phẩm. Xã đã quy hoạch 4,4ha đất xây dựng làng nghề tập trung tại xóm 1 và xóm Bắc, quy tụ các hộ làm nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, nghề thêu truyền thống vào sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo tổ quản lý làng nghề truyền thống phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện liên kết giúp nhau trong sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy nghề thêu truyền thống của thôn Phú Nhai tiếp tục phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn