Hướng dẫn khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch tai xanh

08:06, 01/06/2013

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh ta, dịch lợn tai xanh diễn biến hết sức phức tạp tại 3.269 hộ chăn nuôi, 340 xóm, 25 xã thuộc 3 huyện Trực Ninh (15 xã), Xuân Trường (9 xã) và Hải Hậu (1 xã). Tổng số lợn mắc bệnh là 18.759 con, phải tiêu hủy 9.251 con lợn, khối lượng tiêu hủy 168.728kg. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo PCDBGSGC tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, dịch tai xanh đã được khống chế. Để giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi lợn ổn định, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch tai xanh bùng phát trở lại, Sở NN và PTNT hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu sau:

1. Chuồng trại chăn nuôi: Chuồng nuôi phải khô sạch, làm ở vị trí cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh gió lùa. Xung quanh trang trại, gia trại phải có tường bao hoặc hàng rào cách ly. Ở lối ra vào khu vực chăn nuôi phải có hố sát trùng; có ủng và trang bị bảo hộ lao động sử dụng riêng cho người chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước, trong và sau khi nuôi. Hạn chế người, động vật khác ra vào khu chăn nuôi. Không nuôi nhiều loại vật nuôi trong cùng khu chăn nuôi lợn. Định kỳ tiêu diệt chuột trong khu vực chăn nuôi để tránh lây lan dịch bệnh. Không thả rông lợn ra khỏi khu vực chăn nuôi.

2. Con giống: Không mua, nhập giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không nhập, mua con giống ốm, con giống xuất phát từ vùng đang có dịch. Chỉ mua lợn giống từ các cơ sở chăn nuôi có địa chỉ rõ ràng, tại các vùng an toàn, không có dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Con giống mới mua phải nuôi cách ly ít nhất 7 ngày trước khi nhập đàn hoặc đưa về các hộ chăn nuôi; kiểm tra, theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình nuôi cách ly.

3. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng: Thường xuyên phát quang bụi rậm, cây cỏ lối ra vào cũng như xung quanh khu vực chăn nuôi. Hằng ngày phải dọn vệ sinh chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi và lối ra vào khu chăn nuôi; khi chuồng không có lợn nên dùng nước vôi đặc quét nền và tường chuồng. Định kỳ hằng tuần phun hóa chất tiêu độc khử trùng bằng: Chlorine, Iodine… hoặc các loại hóa chất khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi xuất bán mỗi lứa lợn phải thu dọn chất thải, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Thời gian để trống chuồng trước khi nuôi lứa lợn mới ít nhất 7 ngày đối với các hộ chăn nuôi bình thường và 21 ngày đối với các hộ chăn nuôi đã có lợn bị dịch tai xanh.

4. Chăm sóc, nuôi dưỡng: Chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng theo từng độ tuổi của lợn. Không cho lợn ăn các loại thức ăn ôi thiu, nấm mốc. Nước uống cần đảm bảo sạch, đầy đủ để lợn uống tự do. Áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định, đảm bảo nguyên tắc “Đã chăn nuôi thì phải tiêm phòng, không tiêm phòng thì không chăn nuôi”, kết hợp chăm sóc tốt để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn; khi tiêm phòng phải lựa chọn đúng chủng loại vắc xin theo hướng dẫn của Chi cục Thú y; chỉ mua vắc xin tại trạm thú y huyện, thành phố hoặc một trong 40 đại lý có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo thông báo của Sở NN và PTNT; trường hợp đặc biệt Sở NN và PTNT sẽ có hướng dẫn riêng. Hằng ngày quan sát, theo dõi phát hiện sớm những biểu hiện lạ trên đàn lợn; khi thấy lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay với trưởng thôn (xóm) hoặc trưởng thú y xã.

5. Chế độ thông tin, báo cáo: Các xã, thị trấn phải quy định cụ thể chế độ thông tin, báo cáo về tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên địa bàn gắn với trách nhiệm thực hiện cụ thể cho người chăn nuôi, trưởng thôn (xóm) và trưởng thú y xã. Đối với chủ hộ chăn nuôi: phải chủ động báo với trưởng thôn (xóm), trưởng thú y xã, tuân thủ mọi hướng dẫn của cơ quan thú y; thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông và hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quản lý đàn hiệu quả. Trưởng thôn (xóm) phải thường xuyên nắm chắc số lượng tổng đàn và danh sách hộ nuôi lợn trong thôn, xóm. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình chăn nuôi, việc chấp hành các quy định trong chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đối với cán bộ thú y xã: trên cơ sở báo cáo của các trưởng thôn (xóm), của người chăn nuôi, của thú y thôn, xóm (nếu có) và qua kiểm tra thực tế, hằng tháng thống kê tổng đàn, nắm chắc tình hình tiêm phòng, dịch bệnh trong xã; cập nhật thông tin, hướng dẫn của ngành NN và PTNT về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, tham mưu cho UBND xã, thị trấn, trực tiếp là Ban nông nghiệp xã, thị trấn các biện pháp phòng, chống dịch; khi phát hiện dịch bệnh ở đàn lợn phải báo cáo ngay với chính quyền xã và trạm thú y huyện, thành phố để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với chính quyền xã, thị trấn: thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước về NN và PTNT trên địa bàn theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thành phố về kết quả sản xuất chăn nuôi và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; quản lý tốt lực lượng thú y thôn, xóm và người hành nghề thú y trên địa bàn; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh với Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com