Là địa phương tiếp giáp với huyện Xuân Trường, nơi đã xuất hiện dịch lợn tai xanh nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn lợn ở huyện Giao Thuỷ là rất cao. Trước tình hình trên, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng dịch, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện.
Ông Bùi Văn Tứ, xóm 9, xã Giao Hà thường xuyên phun nước giữ vệ sinh chuồng trại đề phòng dịch bệnh. |
UBND huyện đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (PCDBGSGC) huyện; chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Chi cục Thú y tỉnh (Sở NN và PTNT) đã tổ chức tập huấn về bệnh tai xanh và kỹ thuật tiêm phòng vắc xin cho trưởng thú y các xã, thị trấn trong huyện. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập 6 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông giáp với các địa phương từng có dịch; cụ thể là tại ngã ba Thị trấn Ngô Đồng, cầu Xi Măng, cầu Thọ Nghiệp, cầu Xuân Phú xã Giao Tiến; cầu Thức Khóa, cầu Hà Lạn xã Giao Thịnh; thành lập tiểu ban thống kê đàn lợn và tiêm phòng, tiểu ban tiêu hủy gia súc khi có dịch; chỉ đạo Phòng NN và PTNT cấp vôi bột cho các chốt kiểm dịch; trạm thú y huyện phối hợp với các xã, thị trấn ký kết với 5 bến đò qua sông Hồng về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn. Trưởng thôn, xóm và thú y cơ sở quản lý, giám sát dịch bệnh đến hộ chăn nuôi, yêu cầu các hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ gia súc trên địa bàn ký cam kết không buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn tại vùng có dịch. Ngoài 14.500 liều vắc xin tai xanh, 2.100 lít hóa chất khử trùng của tỉnh cấp, huyện chủ động mua 3.000 liều vắc xin và tổ chức tiêm phòng vắc xin tai xanh 100% số lợn trong diện tiêm tại vùng có nguy cơ cao ở các xã Giao Phong, Giao Yến và các xã Bình Hòa, Giao Hà, Hồng Thuận. Ngoài lượng vắc xin, hóa chất của huyện cấp, các xã, thị trấn chủ động đầu tư kinh phí dự phòng để mua vắc xin, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch. Theo kết quả thống kê, tính đến ngày 27-4-2013 tổng đàn lợn của huyện là 51.885 con, trong đó lợn nái 7.868 con, lợn đực giống 70 con, lợn thịt 30.148 con, lợn sữa 13.799 con. Đến nay, toàn huyện đã tiêm vắc xin tai xanh cho 18.612 con và tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng được 27.097 con lợn trong vụ xuân. Cùng với triển khai tiêm phòng, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh tại các xã thuộc vùng có nguy cơ cao; kiểm tra hoạt động các chốt kiểm dịch, các bến đò nhằm kiểm soát các hoạt động kinh doanh con giống, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm. Thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để PCDBGSGC”, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động mua hóa chất và vôi bột, thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Huyện cấp 5,5 tấn vôi bột cho các xã Giao Tiến, Giao Thịnh và Thị trấn Ngô Đồng để tiêu độc, khử trùng ở những nơi có nguy cơ cao. Đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn liên tục thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp PCDBGSGC trong nhân dân. Xã Giao Hà có 5 xóm (gồm xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 11, xóm 12) thuộc vùng đệm giáp với vùng uy hiếp bởi dịch lợn tai xanh đã thực hiện tiêm vắc xin tai xanh cho 900 con lợn, tỷ lệ tiêm phòng vụ xuân cho đàn lợn đạt 110% kế hoạch. Ngoài 150 lít hóa chất do huyện cấp, xã đã chủ động mua 2 tấn vôi bột rải ở các cửa ngõ ra vào địa bàn và phát cho các trang trại, gia trại lớn để khử trùng, tiêu độc. Đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp PCDBGSGC, xã đã thành lập 9 chốt kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm; không cho nhập gia súc, gia cầm chưa được kiểm dịch hoặc từ vùng dịch vào địa bàn xã; phát động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Ngày thứ bảy xanh” hằng tháng tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực nhà ở, tiến hành tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Đến nay trên địa bàn xã vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Trong thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục rà soát, thống kê nắm chắc tổng đàn và tình hình dịch bệnh hằng ngày, yêu cầu người chăn nuôi phát hiện sớm các trường hợp lợn có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao hoặc xảy thai phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường chăm sóc, bổ sung nguồn dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Vận động các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư kinh phí mua hóa chất, vôi bột thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc thường xuyên. Tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn, các thôn, xóm triển khai đồng bộ các biện pháp PCDBGSGC; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch lợn tai xanh và cúm gia cầm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về dịch bệnh, cách phòng, chống dịch bệnh và cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tự giác thực hiện, quyết tâm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh