Ghi nhận bước đầu từ chương trình đào tạo nghề cho nông dân

07:06, 08/06/2013

Trong hàng chục năm trở lại đây, các tiến bộ kỹ thuật mới đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản theo nhiều kênh khác nhau, nhưng việc áp dụng vẫn mang tính chắp vá, thiếu bài bản, bền vững. Thực trạng đó xuất phát từ chất lượng lao động sản xuất nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu. Thiếu lao động có kỹ thuật, chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Yếu về trình độ quản lý, thâm canh tổ chức sản xuất, đa số lao động nông nghiệp, thuỷ sản chủ yếu làm nghề theo cách truyền nghề "cha truyền con nối".

Sản xuất nước mắm ở làng nghề truyền thống Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy).
Sản xuất nước mắm ở làng nghề truyền thống Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy).

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng NTM, năm 2012 UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí giao cho Sở NN và PTNT quản lý và thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Sở NN và PTNT cùng các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 32 lớp đào tạo nghề cho 1.049 nông dân ở 6 lĩnh vực ngành nghề, gồm: nuôi cá mặn, lợ; nuôi tôm, ghẹ, cua biển, ngao; chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt; nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng; trồng, chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, cây thế; đào tạo trồng, sơ chế, bảo quản nấm. Các lao động tham gia lớp học đều được cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ học tập, tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi và trao đổi kinh nghiệm theo phương pháp hỏi - đáp, được cập nhật thông tin tiến bộ kỹ thuật mới của nghề đang được ứng dụng. Những kiến thức, kỹ năng được đào tạo đã được các lao động áp dụng trong mô hình kinh tế của gia đình, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cũng như kiến thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất bền vững. Các lớp đều do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Nam Định và trung tâm dạy nghề các huyện tổ chức đào tạo, bảo đảm chất lượng, sát với yêu cầu của người học. Để bảo đảm chất lượng đào tạo, các trường, trung tâm dạy nghề đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đào tạo nghề của Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT, Phòng LĐ-TB và XH cũng như các cán bộ của Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, Trạm bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y… nên bảo đảm được chất lượng đào tạo. Từ kết quả triển khai năm 2012, từ đầu năm đến nay, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định đã đào tạo 1 lớp và đang cùng với hệ thống trường trung cấp, trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố tiếp tục chiêu sinh, mở tiếp 55 lớp đào tạo cho 1.775 lao động nông nghiệp tại 10 huyện, thành phố của tỉnh với các nghề nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nuôi tôm, ghẹ, cua biển, ngao, hàu; chăn nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản; chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng; chăm sóc uốn, tỉa cây cảnh, cây thế; trồng nấm, chế biến nấm… Đặc biệt các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn sau dồn điền đổi thửa sẽ ưu tiên tổ chức các lớp trồng cây lương thực, thực phẩm ngay tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: “Theo thống kê của các Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, số người đăng ký học nghề nông nghiệp năm 2013 lên tới 20.574 người ở cả 10 lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi, chế biến… Nhưng căn cứ vào ngân sách và khả năng của các trường, các trung tâm dạy nghề địa phương, năm nay công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ có thể đáp ứng được 8,6% nhu cầu học…”. Như vậy, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn rất lớn. Vì vậy công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước. Mặt khác, cần quan tâm giải quyết nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, cơ giới hoá sản xuất; các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, thuỷ lợi nội đồng, thị trường giao dịch nông sản, thực phẩm… để phát huy hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com