Để phát huy thế mạnh vùng đất trũng ven đê

06:06, 22/06/2013

Xã Nghĩa An (Nam Trực) có lợi thế chiều dài 9,3km đê ven sông Đào, gần nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư rất thuận lợi cho nuôi thủy sản. Những năm 90 do việc cải tạo, lấy đất củng cố đê đã tạo nên khoảng diện tích đất trũng nằm dọc đê, người dân Nghĩa An đã tận dụng khoảng diện tích này để cấy lúa nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Nam Trực về công tác đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong 10 năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa An đã quy hoạch và chuyển đổi được hơn 17ha diện tích vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả ven đê sông Đào để phát triển các mô hình gia trại, trang trại chủ yếu là nuôi thủy sản.

Mỗi năm, gia đình ông Tăng Thiên Lý, xóm 17, xã Nghĩa An (Nam Trực) thu lãi hơn 50 triệu đồng từ nuôi cá truyền thống.
Mỗi năm, gia đình ông Tăng Thiên Lý, xóm 17, xã Nghĩa An (Nam Trực) thu lãi hơn 50 triệu đồng từ nuôi cá truyền thống.

Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển phong trào nuôi thủy sản, xã đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản. Từ 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi thủy sản của xã phát triển mạnh, nhiều hộ nuôi đã đầu tư vốn để cải tạo ao nuôi, hệ thống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, xung quanh ao được bê tông hóa, từng bước thay đổi phương thức nuôi đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-5 lần so với cấy lúa. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của xã lên tới hơn 40ha với 50 hộ tham gia nuôi. Các hộ nuôi chủ yếu là nuôi cá thương phẩm theo hình thức nuôi ghép những loại cá truyền thống như trôi, trắm cỏ, mè, chép… với mật độ từ 2-3con/m2, nhằm tận dụng tối đa tập tính của từng loài để tránh cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh ô xy để tiết kiệm nguồn thức ăn, làm sạch nước và môi trường ao nuôi. Ngoài thức ăn công nghiệp, các hộ nuôi trong xã còn tận dụng thức ăn sẵn có như cỏ mọc tự nhiên ven đê, bèo tấm, từ phụ phẩm nông nghiệp như lá ngô để bổ sung cho cá nên chất lượng thịt cá thơm ngon hơn so với các loại cá được nuôi bằng cám công nghiệp ở nơi khác. Được xã tạo điều kiện, năm 2009 ông Tăng Thiên Lý, xóm 17 đấu thầu 7.000m2 khu đất công của xã được quy hoạch ở ven đê sông Đào. Ông đã đầu tư gần 200 triệu đồng thuê máy xúc đào hệ thống ao nuôi thả cá và cải tạo đất đáy ao. Sau 1 năm cải tạo, hệ thống ao nuôi của ông đã đi vào hoạt động. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá qua báo, đài và những chuyến đi tham quan các mô hình nuôi cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế cao trong tỉnh nên đàn cá của gia đình ông được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ít bị bệnh, lớn nhanh. Sau 6 tháng nuôi, cá trắm cỏ từ 0,5kg có thể đạt trên 2kg, cá trôi từ 0,2kg đạt trên 0,7kg… Cứ vào mùa thu hoạch, nhiều thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… về tận nhà ông để mua. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng từ nuôi cá truyền thống. Những hộ nuôi cá thương phẩm điển hình trong xã còn có hộ các ông Nguyễn Văn Đại, xóm 19; Nguyễn Văn Đông, xóm 18 nuôi từ 6.000-10.000m2 cho thu lãi từ 50-70 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh nuôi cá thương phẩm, trong xã cũng có một số hộ ương cá giống để phục vụ nhu cầu nuôi thả của các hộ nuôi trong và ngoài xã như hộ các ông: Lại Trọng Ngự, Lại Trọng Hộ ở xóm 11... Anh Nguyễn Văn Đắc, xóm 19 là một người có thâm niên về nghề ương cá giống. Năm 1995, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống 3 ao ương cá giống với tổng diện tích gần 10.000m2. Chia sẻ về kinh nghiệm ương cá giống, anh Đắc cho biết: Để đảm bảo ương cá giống, ao ương cần phải đảm bảo nguồn nước, chủ động dẫn và tiêu dễ dàng, chất đáy ở ao phải thích hợp, độ sâu vừa phải, bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ. Thức ăn của cá bột là sinh vật phù du, sinh vật phù du cần ánh sáng để sinh trưởng và phát triển. Do đó bờ ao không nên có nhiều bụi rậm và cây cao, ao thoáng khí, nhiều ánh sáng, thức ăn cho cá phong phú hơn. Bên cạnh đó, ao ương phải ở vị trí thuận tiện cho việc quản lý chăm sóc cá giống. Các loại cá bột như mè, trắm cỏ, trôi… thường được anh mua ở trại giống xã Nam Toàn, riêng giống cá chép anh phải mua trên Thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Các loại cá bột được đưa về thả vào ao ương, thức ăn ban đầu của cá bột chủ yếu là bột được anh nấu lên rồi thả xuống ao. Sau thả 15 ngày anh chuyển sang cho ăn cám. Sau nuôi khoảng 2-3 tháng có thể xuất bán. Hằng năm, gia đình anh xuất bán khoảng 2-3 tấn cá giống, cho thu lãi trên 100 triệu đồng.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc nuôi thủy sản ở Nghĩa An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngoài một số hộ nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế khá, hầu hết các hộ gia đình nuôi còn lại chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh, quy mô diện tích nuôi mới ở mức nhỏ lẻ. Người nuôi trong xã hạn chế vốn đầu tư, chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thiếu kinh nghiệm trong nuôi thủy sản. Nhiều hộ nuôi vẫn chưa nắm rõ kỹ thuật phòng bệnh cho cá nên dịch bệnh vẫn xảy ra khiến việc nuôi chưa đạt hiệu quả. Năm 2012, tổng thu nhập nuôi thủy sản mới chỉ đạt 5 tỷ đồng, chiếm chưa tới 10% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Vừa qua, Sở NN và PTNT đã mở lớp tập huấn cho các hộ nuôi trong xã về kỹ thuật nuôi và cách phòng chống dịch bệnh cho các loại cá truyền thống. Trong tháng 6, Trung tâm Dạy nghề tỉnh sẽ mở lớp dạy nghề về nuôi trồng thủy sản nước ngọt với thời gian khóa học là 3 tháng cho xã Nghĩa An.

Để khai thác tốt mọi tiềm năng nhằm đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp với ngành thủy sản tiếp tục tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cá cho các hộ nuôi trong xã để đảm bảo phát triển thủy sản bền vững. Cần chú trọng xây dựng mô hình trình diễn, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Xã cần rà soát, điều tra phương thức nuôi của từng hộ nuôi thủy sản để có biện pháp chỉ đạo hợp lý, khuyến khích các hộ nuôi có diện tích lớn áp dụng các biện pháp thâm canh, bán thâm canh và mở rộng diện tích nuôi những giống cá mới có giá trị hàng hóa cao, gắn với quy hoạch những vùng nuôi thủy sản tập trung. Khuyến khích các hộ có điều kiện về ao nuôi tiến hành ương, nuôi cá giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ cho các hộ nuôi cá thịt trong xã và trong tỉnh. Khuyến khích các hộ tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ nhằm hạ giá thành chi phí thức ăn; đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước... nhằm phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo môi trường, hiệu quả nuôi bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com