Vào mùa sứa, tại bến cá Quân khu 3, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) không khí thật náo nhiệt. Sau một đêm khai thác sứa, những chiếc thuyền nối đuôi nhau về bến, ngư dân hồ hởi khiêng những giỏ đầy ắp sứa về nơi tập kết. Vừa chuyển những giỏ sứa vào bờ, anh Bùi Văn Thụ, tổ dân phố số 2 vừa tâm sự: Vụ sứa năm nay trúng lớn, trung bình một ngày - đêm, một tàu đánh bắt sứa có thể thu nhập trên chục triệu đồng; ngay cả các phương tiện đánh bắt công suất nhỏ cũng có thể thu vài triệu đồng. Nhiều ngư dân đang giàu lên từ nghề khai thác sứa…
Chế biến sứa tại cơ sở của ông Hồ Thủy Trung, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Nhiều năm trở lại đây, khi thị trường trong nước và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiêu thụ mạnh sản phẩm sứa, nghề đánh bắt sứa đã mang lại thu nhập không nhỏ cho ngư dân vùng biển. Nghề khai thác sứa hiện đang phát triển mạnh bởi thu nhập khá trong khi phương tiện đánh bắt sứa đơn giản và vốn đầu tư ít hơn so với các nghề khác. Do vậy, lực lượng khai thác sứa ở tỉnh ta ngày càng đông với 1.050 phương tiện chủ yếu ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và hàng nghìn lao động tham gia đánh bắt. Mùa sứa bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 (âm lịch) năm sau. Ngư trường đánh bắt sứa chủ yếu cách bờ khoảng 5-12 hải lý. Mùa sứa năm nay, ngư dân tỉnh ta bội thu, tổng sản lượng khai thác ước đạt 14,5 nghìn tấn, trong đó huyện Hải Hậu 8,5 nghìn tấn, huyện Giao Thủy 5.000 tấn, huyện Nghĩa Hưng 1.000 tấn. Giá sứa mỗi con năm nay cao gấp đôi so với mọi năm từ 17-25 nghìn đồng. Mỗi ngày, bình quân một thuyền có thể đánh bắt từ 200-300 con sứa, trừ chi phí xăng dầu, ngư dân thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Có những thời điểm sứa nổi rộ, nhiều tàu đánh bắt được 800-1.000 con, cho thu nhập 10-20 triệu đồng/ngày. Nhiều ngư dân tranh thủ mùa sứa ra khơi liên tục, có ngày tới 3 chuyến. Nhiều hộ có tàu công suất lớn cho thu nhập tới trăm triệu đồng, những hộ có tàu nhỏ hơn cũng thu được dăm, bảy chục triệu đồng. Sứa thành phẩm có giá từ 50-60 nghìn đồng/kg, sứa khô được xuất sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, sứa ăn liền được tiêu thụ nội địa… Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sứa, trong đó có 11 cơ sở chế biến sứa ướp mặn, 10 cơ sở chế biến sứa ăn liền. Sứa ngày càng trở thành mặt hàng có giá trị, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân vùng biển. Ông Hồ Thủy Trung, chủ một cơ sở chế biến sứa ở Thị trấn Thịnh Long cho biết, gia đình ông mở xưởng chế biến sứa mặn xuất khẩu đã hơn 10 năm, những năm trước, cơ sở chế biến sứa của ông mỗi ngày thu mua được 300-600 con sứa để chế biến. Năm nay sứa được mùa, bình quân mỗi ngày cơ sở của ông thu mua 5.000 con, những hôm cao điểm lên đến hơn 10 nghìn con. Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS), năm nay, trung bình mỗi cơ sở chế biến khoảng 50 tấn sứa thành phẩm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động thời vụ. Tiêu biểu, ở huyện Giao Thủy có cơ sở của các ông: Trần Văn Hữu (Giao Hải) chế biến được 150 tấn sứa thành phẩm; Đặng Danh Lũy (Giao Hải) 100 tấn. Ở huyện Hải Hậu có các cơ sở chế biến sứa ăn liền như: Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Cty TNHH Vạn Hoa, Cơ sở chế biến hải sản Tân Long Phát (Thị trấn Thịnh Long), Cty CP Thủy sản Thiên Phú (Hải Triều)…
Nghề khai thác, chế biến sứa đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều ngư dân, giải quyết việc làm thời vụ cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp khai thác và chế biến sứa gây ô nhiễm môi trường biển. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã khuyến cáo ngư dân giữ gìn vệ sinh môi trường trong khai thác, đánh bắt sứa, tránh gây ô nhiễm môi trường. Chi cục QLCLNLTS yêu cầu các cơ sở chế biến sứa xây hố ga, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường, đồng thời các cơ sở chế biến sứa phải tiến hành công bố chất lượng sản phẩm sứa mặn, sứa ăn liền đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh