Đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh về các khu, CCN ở nông thôn đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp với những lợi thế như thu hút được số lượng lớn lao động tại chỗ, giảm chi phí về xây dựng nhà ở cho công nhân; các địa phương có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư. Hiện toàn tỉnh có KCN Bảo Minh, Thịnh Long và 19 CCN nằm trên địa bàn 9 huyện. Năm 2012, các CCN đã thu hút được 18 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký trên 101,8 tỷ đồng, với tổng diện tích 8,5ha. Trong đó CCN Đồng Côi (Nam Trực) thu hút 7 dự án, tổng mức đầu tư đăng ký 66 tỷ đồng; CCN Hải Minh (Hải Hậu) thu hút 5 dự án với tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vào các CCN năm 2012 đã tạo việc làm, thu nhập cho hơn 1.200 lao động.
Sản xuất trang phục xuất khẩu ở cơ sở 2 của Cty TNHH May Nam Hải tại xã Nam Hồng (Nam Trực). |
Tổng Cty CP Dệt may Nam Định là một trong các đơn vị đạt hiệu quả cao khi chọn hướng đầu tư sản xuất về nông thôn. Được sự chỉ đạo của Tổng Cty, các Cty thành viên đã tập trung đầu tư về địa bàn nông thôn như: Cty CP May 1 đầu tư nhà máy may ở xã Trực Hưng (Trực Ninh); Cty CP May 2 đầu tư nhà máy may ở xã Yên Tân (Ý Yên); Cty CP May 3 đầu tư nhà máy may Bình Minh, xã Bình Minh (Nam Trực); Cty CP May 4 xây dựng nhà máy may tại các xã Đại Thắng, Minh Tân (Vụ Bản), Yên Lương (Ý Yên)… Cty CP May Nam Hải (TP Nam Định) mở cơ sở 2 tại xã Nam Hồng (Nam Trực) với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, diện tích trên 400m2 nhà xưởng gồm 2 chuyền may mỗi tháng sản xuất trên 6.000 sản phẩm quần âu, quần bò xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Ca-na-đa. Cty CP May Sông Hồng đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy may tại CCN xã Hải Phương (Hải Hậu) tạo việc làm cho trên 2.000 lao động… Cty CP May thời trang Giao Thủy hiện có 17 chuyền may, với gần 1.000 lao động, mức thu nhập bình quân từ 2,7-3 triệu đồng/người/tháng, năm 2012 tổng doanh thu của Cty đạt trên 100 tỷ đồng. Ngoài các doanh nghiệp ngành dệt may, thực hiện chủ trương của tỉnh, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác cũng đã chủ động đầu tư về địa bàn nông thôn. Cty CP Lâm sản Nam Định (KCN Hòa Xá) đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) với tổng diện tích trên 5,4ha, thu hút trên 600 lao động địa phương. Tháng 3-2013, Cty CP Vân Cầu (TP Nam Định) đã đưa vào hoạt động Nhà máy gạch không nung Vân Cầu tại xóm 6, xã Tân Thành (Vụ Bản), với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng, công suất 10 triệu viên/năm, tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương. Dự kiến cuối năm 2013 và trong năm 2014, Cty tiếp tục đầu tư thêm 2 dây chuyền mới, nâng tổng công suất của nhà máy lên 30 triệu viên/năm, tạo việc làm cho 100 lao động. Cuối năm 2012, Cty CP Thương mại Phú Thái (CCN An Xá, Thành phố Nam Định) đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng một trạm chiết nạp khí hóa lỏng (LPG) tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường) giải quyết việc làm cho trên 20 lao động. Đầu năm 2013, trạm chiết nạp của Cty đã hoàn thành và chính thức hoạt động với tổng diện tích trên 2.500m2, công suất từ 450-500 tấn LPG/tháng. Ông Bùi Thế Thạo, Phó Giám đốc Cty cho biết: Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh LPG với hệ thống trên 250 đại lý trong toàn tỉnh, việc đầu tư thêm một trạm chiết nạp của Cty nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hơn 100 đại lý cung ứng sản phẩm thuộc các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy…
Để tăng cường số doanh nghiệp, dự án đầu tư về nông thôn, ngày 7-5-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định. Theo đó, doanh nghiệp khi đầu tư về địa bàn nông thôn được giao mặt bằng sạch, có đường giao thông, điện, viễn thông... Nhà đầu tư còn được ưu đãi 70% tiền thuê đất trong 5 năm; đối với dự án sử dụng đất bãi sông, bãi biển và sử dụng mặt nước, ưu đãi tiền thuê đất trong 5 năm là 100%. Hỗ trợ 50% lãi suất cho vay của ngân hàng đối với vốn vay đầu tư không quá 5 năm (tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án). Ngoài ra, UBND tỉnh còn thực hiện các cơ chế ưu đãi về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực (từ 1-3 triệu đồng/lao động); hỗ trợ 100% chi phí quảng cáo trong thời gian 30 tháng (không quá 50 lần) và hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường (tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án). Với những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đồng bộ từ tỉnh, huyện tới cơ sở, trong thời gian tới hứa hẹn có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh về nông thôn./.
Bài và ảnh: Thành Trung