Công nghiệp chế biến nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp bởi chất lượng chế biến sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản… Tuy nhiên, hiện nay hoạt động chế biến nông sản ở nhiều cơ sở, đơn vị tại các huyện, thành phố còn sơ sài, thủ công. Chất lượng nông sản chế biến chưa ổn định, tính cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất trong ngành chế biến nông sản còn hạn chế. Hiện tại trên địa bàn tỉnh mới có 3 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và tiêu thụ nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gồm: Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định với công suất 5.000 tấn/năm, Cty TNHH Trường Huy (Hải Hậu) với công suất 500 tấn/năm, Cty TNHH Công Danh công suất 9 tấn/ngày. Ngoài ra còn có 2.301 hộ tham gia giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Nguyên nhân do xuất phát điểm của ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh ta thấp, công nghệ chế biến lạc hậu. Việc đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản chưa tương xứng với tốc độ phát triển của sản xuất nông nghiệp, chậm đổi mới thiết bị dẫn đến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn; công tác nghiên cứu khoa học phục vụ công nghiệp chế biến còn hạn chế. Sự gắn kết giữa công nghiệp chế biến nông sản với vùng nguyên liệu và thị trường chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Hệ thống quản lý chất lượng nông sản và việc xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hoá chưa được chú trọng.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung củng cố, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Cty CP Chế biến hải sản Nam Định (Hải Hậu) đã tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng, bổ sung đổi mới thiết bị sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống mang thương hiệu Ninh Cơ như: nước mắm, mắm tôm và sứa biển đóng hộp... Bên cạnh đó, Cty thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Do vậy đã tạo được uy tín, các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thuận lợi cho tiêu thụ. Hiện tại, để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty đã đầu tư toàn bộ chi phí mua sắm lưới, xăng dầu cho các tàu và nhận bao tiêu sản phẩm có hỗ trợ giá cho ngư dân. Trước yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư 27 dự án trong ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Dự án đầu tư mới cơ sở giết mổ gia súc, sản xuất thịt hun khói, xúc xích, lạp sườn, công suất 4.000-6.000 tấn/năm; Đầu tư mới cơ sở chế biến thịt lợn, gia cầm đóng hộp, công suất 2.000-3.000 tấn/năm tại Thành phố Nam Định; Đầu tư xưởng đông lạnh, sơ chế thịt lợn, gà, vịt... tại các huyện phía nam tỉnh, công suất 2.000-3.000 tấn/năm; Đầu tư xây dựng 3 cụm chế biến gạo tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, công suất mỗi cụm 3.000-4.000 tấn/năm; Đầu tư, mở rộng sản xuất nước mắm, cá khô và bột cá khô tại các xã ven biển Hải Hậu, Giao Thủy; Xây dựng phân xưởng chế biến nước mắm, cá khô ở CCN Rạng Đông; Xây dựng dây chuyền chế biến rau quả tại Lạc Quần, công suất 10 nghìn tấn/năm; Đầu tư dây chuyền sản xuất mỳ ăn liền, phở ăn liền, cháo ăn liền, công suất 3.000 tấn/năm tại Thành phố Nam Định… Ngoài ra, tỉnh cũng đang nỗ lực đổi mới cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành chế biến nông sản, nhất là các chính sách đất đai, tín dụng, thị trường... Thực hiện quy hoạch đồng bộ các ngành hàng nông sản tại vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với chế biến công nghiệp. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng và hiệu quả ngành công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường phân phối các sản phẩm nông sản chế biến do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Nguyễn Thanh Thúy