Là địa phương có truyền thống thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác.
Mô hình kinh tế VAC của ông Trần Văn Thọ, xóm 12, xã Nghĩa Phú cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. |
Xã Nghĩa Phú có 648ha đất cấy 2 vụ lúa/năm và gần 81ha đất trồng màu. Những năm qua, năng suất lúa bình quân hằng năm của xã đạt 125-130 tạ/ha. Vụ xuân năm 2012, xã đã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại các xóm 10, 11 với tổng diện tích 30ha. Năng suất lúa tại các CĐML đạt gần 56 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà trên 13%, lợi nhuận tăng 350-400 nghìn đồng/sào, tương đương 10-11 triệu đồng/ha/vụ. Trong năm 2012, xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân chỉ còn 1,45 thửa/hộ, có 3.138 hộ được giao đất ổn định, diện tích đất công của xã gần 33ha được quy gọn vùng. Xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng sản xuất vụ đông rộng 126ha tập trung ở 13 xóm; vùng chuyển đổi 13ha ở các xóm 9, 11, 13; vùng phát triển kinh tế trang trại 11,7ha ở các xóm 6, 9, 11… Từ thành công của mô hình CĐML trong vụ xuân năm 2012, xã Nghĩa Phú đã xây dựng đề án nhân rộng mô hình CĐML gắn với chuyển đổi cơ cấu giống, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Xã đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn quy trình thâm canh, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Vụ xuân năm 2013, xã Nghĩa Phú đã triển khai thực hiện 6 mô hình CĐML với tổng diện tích trên 202ha ở 11/15 xóm, trong đó mô hình CĐML có diện tích lớn nhất là 60ha. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình CĐML, xã còn khuyến khích các hộ dân tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất. Toàn xã hiện có 45 công cụ sạ hàng, 5 máy gặt đập liên hợp, trên 30 máy cày, trong đó có 11 máy cày trung. Toàn bộ diện tích thực hiện mô hình CĐML đều áp dụng phương thức gieo sạ hàng; 70% khâu làm đất, thu hoạch đã được cơ giới hóa. Vụ mùa năm nay, xã chủ trương xây dựng một mô hình CĐML với tổng diện tích 50ha cấy giống lúa thuần RVT, sau khi thu hoạch lúa mùa sẽ triển khai sản xuất vụ đông với các loại cây trồng chủ lực là: cà chua, bí xanh, rau màu các loại. Ngoài phần hỗ trợ của huyện, mô hình CĐML vụ mùa gắn với sản xuất vụ đông của xã đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ một phần giống, vật tư (trị giá 60 nghìn đồng/sào). Để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, kinh nghiệm thâm canh của người dân, xã khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích sản xuất vụ đông. Nhiều năm liền, diện tích cây vụ đông của xã duy trì trên 100ha. Ngoài một số cây trồng truyền thống như: bí xanh, cà chua, một số hộ đã đẩy nhanh thời vụ để trồng xen canh thêm từ 1-2 vụ rau màu ngắn ngày cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha/vụ, tiêu biểu như hộ các ông: Trần Văn Lạc, Trần Văn Tạc (xóm 12); Trần Văn Kết (xóm 13); Nguyễn Văn Tố (xóm 11)… Phong trào cải tạo vườn tạp để trồng rau màu theo mùa vụ, phát triển kinh tế sinh vật cảnh được nhân rộng ở các xóm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng đại táo 15 kết hợp với bí xanh của ông Nguyễn Huy Hoạt cho thu nhập gần 30 triệu đồng/sào/năm; mô hình trồng thanh long của ông Hoàng Văn Hiển, xóm 9; mô hình nuôi cá trắm kết hợp trồng bí xanh, cây cảnh, rau màu ngắn ngày của anh Trần Văn Thọ, xóm 12… Ngoài 4 sào vườn nhà với hàng trăm gốc cây cảnh các loại như: sanh, si, đa, lộc vừng… có trị giá hàng tỷ đồng, năm 2011 ông Trần Văn Thọ đã đầu tư gần 70 triệu đồng chuyển đổi 4 sào ruộng thành ao thả cá, trong đó có gần 3 sào chuyên thả cá trắm cỏ. Xung quanh khu vực chuyển đổi ông làm giàn trồng 200 gốc bí xanh, 200 gốc quất chuyền và xen canh các loại rau màu ngắn ngày. Sau hai năm thực hiện, đến nay mô hình chuyển đổi của ông Thọ đã đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm thu hoạch 1 vụ cá với sản lượng từ 6,5-7 tạ; 3 vụ bí xanh cho thu hoạch gần 10 tấn… tổng doanh thu đạt 120-130 triệu đồng/năm. Ngoài cây lúa, rau màu, xã còn tích cực phát triển nuôi thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xã đã chuyển đổi được gần 25ha đất bãi sang nuôi thủy sản với các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen kẽ cá truyền thống, hoặc nuôi tôm thẻ, tôm sú kết hợp trồng bí xanh, rau màu ngắn ngày. Năm 2012, tổng đàn lợn của xã có 5.600 con, đàn gia cầm 48,5 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 734 tấn. Xã có 43 hộ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trong đó có 15 hộ nuôi quy mô lớn 80-100 con lợn; 200 con vịt, gà, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên như hộ các ông: Trần Văn Toản, Trần Văn Tứ (xóm 5); Vũ Văn Tuệ (xóm 2); Trần Văn Phú (xóm 6); Vũ Văn Tịnh (xóm 7)… Xã có 4 hộ đầu tư lò ấp trứng gia cầm để sản xuất con giống, ấp trứng lộn cung cấp cho các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh trong và ngoài xã. Tiêu biểu là hộ ông Đỗ Văn Tế, xóm 12 có 5 lò ấp điện, công suất mỗi lò 10 nghìn quả/mẻ, hằng tháng xuất bán từ 70-80 nghìn quả trứng lộn.
Sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Phú đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2012, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác của xã đã đạt trên 106 triệu đồng/ha, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,8%. Thời gian tới, xã Nghĩa Phú tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phấn đấu đạt giá trị thu nhập 110 triệu đồng/ha/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%./.
Bài và ảnh: Thành Trung