Sản xuất theo kiểu “tự cung, tự cấp”, nghề chưng cất rượu từ lâu đã phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Xã Yên Phú (Ý Yên) có truyền thống nấu rượu thơm ngon, nổi tiếng khắp vùng do chưng cất từ gạo nếp cái hoa vàng, ủ bằng men được làm từ các vị thuốc bắc. Hiện nay, toàn xã có khoảng 200 hộ sản xuất rượu, tập trung chủ yếu ở khu vực làng Đuồi (từ xóm 1 đến xóm 9), trong đó nhiều gia đình lấy nghề nấu rượu làm kế sinh nhai. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 10-20 lít rượu/ngày. Từ năm 2009, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, thương hiệu “Rượu nếp Yên Phú” đã được đăng ký bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) công nhận và bảo hộ về kiểu dáng bao bì, tem nhãn. Cũng nức tiếng xa gần về rượu thơm, ngon, rượu Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) hiện đang được Cty CP Làng nghề Kiên Lao bao tiêu sản phẩm. Để bảo đảm chất lượng rượu, Cty đã đầu tư xây dựng phân xưởng sản xuất men cho các gia đình làm nghề, đồng thời mua sắm thiết bị khử an-đê-hit và methanol, có dây chuyền đóng chai, sản phẩm tiêu thụ ở khắp thị trường trong nước. Ngoài rượu nấu của các làng nghề đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng ATVSTP, thì hiện nay nhiều nơi trong tỉnh vẫn có rất nhiều người nấu rượu với quy mô nhỏ lẻ, thời vụ, nên khó khăn cho công tác quản lý, không kiểm soát được loại men, chất lượng, nguồn gốc men, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng. Đó là chưa kể đến các loại rượu giả được sản xuất bằng cồn công nghiệp pha nước có chứa methanol - chất trực tiếp gây ngộ độc cho người sử dụng.
Nấu rượu bằng phương pháp thủ công của người dân xóm 8, xã Yên Phú (Ý Yên). |
Từ ngày 1-1-2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về “Sản xuất, kinh doanh rượu” chính thức có hiệu lực. Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu phải có giấy phép và sản phẩm phải có nhãn mác; nếu bán cho các doanh nghiệp để chế biến thì phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất... Thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ, các ngành, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ sản xuất rượu thực hiện. Đồng chí Nguyễn Duy Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị định 94 trong nhân dân, đặc biệt là các hộ chuyên sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, đồng thời vận động các hộ đăng ký sản xuất với chính quyền”. Qua tuyên truyền, nhiều người nấu rượu trong xã đồng tình thực hiện các quy định của pháp luật, bởi như vậy sẽ bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng và cũng bảo đảm cho thương hiệu rượu của xã ngày càng bền vững. Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý cho biết: thực hiện "siết" chặt cấp phép đăng ký kinh doanh buôn bán rượu được tính dựa trên tổng số dân trên địa bàn rất khó cho các địa phương sản xuất rượu hàng hoá chứ không phải phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong phạm vi hẹp. Theo quy định, cứ 1.000 dân mới được cấp phép 1 cơ sở kinh doanh, buôn bán rượu. Nếu áp tiêu chí này, xã Yên Phú có gần 7.600 dân, tương ứng với 7 hộ được cấp phép kinh doanh, buôn bán nên rất khó cho địa phương trong việc xác định người được cấp phép... Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định, để được cấp giấy phép, đại lý bán lẻ rượu phải có đăng ký kinh doanh, có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, không được phép bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Quy định này cũng khó thực hiện và kiểm soát trên thực tế. Chẳng hạn các quán cóc không bao giờ đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn bán lẻ rượu, hoặc người bán hàng không thể kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng đến mua rượu để biết đã đủ 18 tuổi hay chưa… Từ đầu tháng 1-2013, Sở Công thương đã có công văn đến các huyện, thành phố yêu cầu thống kê các hộ nấu, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 1 cơ sở sản xuất rượu tại CCN An Xá (TP Nam Định) đăng ký, còn các cơ sở nấu rượu ở nông thôn do phòng Công thương các huyện, thành phố quản lý vẫn chưa đăng ký.
Rượu thuộc nhóm hàng hoá Nhà nước hạn chế kinh doanh. Bởi, việc lạm dụng rượu, sử dụng rượu kém chất lượng dẫn tới nhiều bệnh nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông, dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình... Thời gian tới các ngành hữu quan, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Nghị định 94 của Chính phủ, Thông tư 39 của Bộ Công thương đến tất cả các hộ nấu rượu và những người kinh doanh rượu. Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn tình trạng rượu lậu, rượu giả, không rõ nguồn gốc; kiểm soát rượu từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần quản lý chặt chẽ tình hình sản xuất rượu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Đức Thiện