Những năm qua, cùng với việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến công tác an toàn, VSLĐ-PCCN, cải thiện môi trường làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác an toàn, VSLĐ-PCCN đối với sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và bảo vệ sức khoẻ người lao động nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đầu tư, đưa vào sử dụng các loại máy móc, dây chuyền, thiết bị sản xuất công nghệ hiện đại có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, môi trường lao động khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ.
Để đẩy mạnh công tác an toàn, VSLĐ-PCCN, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn, VSLĐ-PCCN; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hằng năm, UBND tỉnh đều thành lập Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia an toàn, VSLĐ-PCCN, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác an toàn, VSLĐ-PCCN tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo của tỉnh và các địa phương đã biên soạn và phát hành gần 50 nghìn tờ rơi các quy định của Nhà nước về an toàn, VSLĐ-PCCN cho các doanh nghiệp và người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ), sự cố cháy nổ; chăng treo hơn 6.000 khẩu hiệu, pa nô, áp phích; tổ chức thi tìm hiểu an toàn, VSLĐ-PCCN, thu hút gần 25 nghìn người tham gia… Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về an toàn, VSLĐ-PCCN; tổ chức hơn 200 lớp huấn luyện về an toàn, VSLĐ-PCCN cho 29.200 người. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kiểm tra đột xuất công tác an toàn, VSLĐ-PCCN ở các doanh nghiệp. Trong năm 2012, các ngành chức năng đã tổ chức 446 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 635 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động và cháy nổ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, thực hiện nhiều biện pháp nâng cao ý thức cho người lao động như tuyên truyền, tập huấn; trang bị các phương tiện, kỹ thuật về bảo hộ lao động, an toàn, VSLĐ.
Cty CP May Nam Định tổ chức diễn tập PCCC bảo đảm an toàn cho sản xuất. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Các doanh nghiệp làm tốt công tác an toàn, VSLĐ-PCCN là: Cty TNHH Ga Phúc Thái, Cty CP Dược phẩm Minh Dân, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Sông Hồng (TP Nam Định), Cty CP Tấm lợp Bạch Đằng (Mỹ Lộc), Cty CP La Xuyên Vàng (Ý Yên)… Cty CP Dược phẩm Minh Dân chuyên sản xuất thuốc tân dược, với 2 nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh dạng tiêm và dạng uống bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và 1 hệ thống kho đạt tiêu chuẩn GSP. Là ngành sản xuất đặc thù, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, Cty đã thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên bộ phận an toàn, VSLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tuyên truyền về an toàn, VSLĐ và định kỳ tập huấn an toàn, VSLĐ cho đội ngũ cán bộ và người lao động trong Cty, đặc biệt là những người trực tiếp vận hành máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, VSLĐ; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho các thành viên trong đội chữa cháy. Cty trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ an toàn, VSLĐ-PCCN theo quy định và cung cấp bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động. Đây chính là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp Cty đảm bảo an toàn sản xuất trong những năm qua. Tổng Cty CP Dệt may Nam Định là đơn vị có truyền thống trong công tác đảm bảo an toàn, VSLĐ-PCCN. Với đặc thù là ngành sản xuất bông, vải, sợi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động, từ nhiều năm qua, Tổng Cty đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, hằng năm tổ chức kiện toàn và duy trì hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các đơn vị thành viên, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho người lao động về an toàn, VSLĐ-PCCN. Định kỳ, Tổng Cty tổ chức cho tất cả công nhân trong dây chuyền sản xuất tham gia huấn luyện an toàn, VSLĐ; kiểm tra sức khoẻ. Tổng Cty đầu tư khá đầy đủ và thường xuyên kiểm tra, bổ sung các thiết bị, dụng cụ chữa cháy; hằng năm lập phương án và tổ chức huấn luyện chữa cháy cho đội chữa cháy, sẵn sàng xử lý khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Cuối năm 2012, tại nhà kho chứa bông, sợi phế của Nhà máy Sợi (thuộc Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) xảy ra cháy nhỏ đã được dập tắt kịp thời.
Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, công tác an toàn, VSLĐ-PCCN trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức và ý thức thực hiện an toàn, VSLĐ-PCCN của chủ doanh nghiệp và người lao động đã được nâng lên. Môi trường lao động và sức khoẻ người lao động được cải thiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an toàn, VSLĐ-PCCN vẫn còn những khó khăn, bất cập. Không ít doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn, VSLĐ-PCCN như: đầu tư trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động, PCCC còn thiếu so với yêu cầu; chưa tập huấn hoặc chỉ tập huấn cho một bộ phận người lao động về an toàn, VSLĐ; chưa huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho đội viên chữa cháy cơ sở; không thực hiện kiểm định thường xuyên các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; không đo kiểm môi trường lao động; một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới, nhưng chưa quan tâm đến công tác chữa cháy, chưa thiết kế lối thoát nạn…
Triển khai Tuần lễ Quốc gia an toàn, VSLĐ-PCCN lần thứ 15 - năm 2013, với chủ đề “Tăng cường văn hoá an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia an toàn, VSLĐ-PCCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn, VSLĐ-PCCN tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các doanh nghiệp, làng nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, sai sót và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, VSLĐ-PCCN. Các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn không nhiều song không nên vì thế mà tiết kiệm chi phí, thiếu quan tâm đến công tác an toàn, VSLĐ-PCCN. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn cho cả người lao động và tài sản của doanh nghiệp, tạo sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững./.
Minh Tân