Tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

05:03, 16/03/2013

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 127/ĐP của tỉnh, năm 2012, các ngành chức năng đã xử lý 2.744 vụ vi phạm buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, với tổng số tiền phạt là 47 tỷ 395 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ là 78 vụ; vi phạm về gian lận thương mại 1.178 vụ. Đặc biệt, tình trạng vi phạm quyền của người tiêu dùng (NTD) diễn ra ở hầu hết các mặt hàng cung cấp trên thị trường với nhiều hình thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi, khó kiểm soát. Hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức chặt chẽ, tinh vi thành hệ thống từ sản xuất đến phân phối nhằm che giấu hành vi vi phạm. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả thường dùng hàng hóa kém chất lượng đóng vào bao bì của các thương hiệu nổi tiếng. Tình trạng gian lận thương mại phổ biến là: sản xuất hàng hóa có chất lượng thấp hơn chất lượng đã đăng ký; tăng trọng lượng bao bì, giảm trọng lượng hàng hóa; dùng bao bì mẫu mã đẹp để đóng gói hàng hóa chất lượng kém; ghi nhãn hàng hóa không rõ ràng nhằm đánh lừa NTD…

Người tiêu dùng kiểm tra nhãn mác, chất lượng sản phẩm trước khi mua sữa tại cửa hàng Hồng Huệ, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).
Người tiêu dùng kiểm tra nhãn mác, chất lượng sản phẩm trước khi mua sữa tại cửa hàng Hồng Huệ, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).

Trong điều kiện năng lực, trình độ của một số cán bộ công chức trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh, chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu; nhận thức của người dân về quyền của NTD còn rất hạn chế thì tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất và mức độ vi phạm phức tạp, khó kiểm soát. Chị Trần Thị Thúy Hạnh, ở đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) cho biết, trong trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì ngoài việc đổi hoặc trả lại hàng hóa, chị cũng không biết phải thực hiện quyền tố cáo, khiếu nại của mình như thế nào và ở đâu? Tình trạng NTD chưa tích cực, chủ động bảo vệ quyền của mình còn phổ biến. Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam, số lượng NTD nộp đơn tố cáo, khiếu nại kể từ khi Luật Bảo vệ NTD có hiệu lực còn rất thấp. Với tâm lý chung là sản phẩm chẳng đáng là bao mà khiếu nại thì tốn thời gian mà chưa chắc đã đạt được lợi ích gì nên nhiều người tặc lưỡi chấp nhận thiệt thòi khi mua phải hàng giả(!). Hậu quả của việc NTD không chủ động sử dụng quyền của mình không chỉ gây thiệt thòi cho bản thân họ mà còn gây thiệt thòi cho cả cộng đồng. Khi những NTD khác không biết hành vi gian lận của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, vẫn tiếp tục lựa chọn, sử dụng sản phẩm thì các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa gian lận tiếp tục được hưởng lợi và dẫn đến tình trạng “nhờn” luật, vi phạm quyền của NTD. Tình trạng trên đã khiến NTD đang phải đối mặt với thực tế là đa số hàng hóa và dịch vụ sử dụng đều có nguy cơ bị xâm hại; việc bảo vệ NTD của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng quyền của NTD, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Trong đó tập trung tuyên truyền để người dân nắm được 4 phương thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD khi giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin cho NTD về hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp làm ăn “chộp giật” gian lận thương mại để mọi người biết rõ khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Về phía NTD, cần chủ động thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình như: đọc kỹ những thông tin về sản phẩm, kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và báo ngay cho các cơ quan chức năng khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xây dựng văn hoá tiêu dùng, có thái độ kiên quyết “tẩy chay” đối với sản phẩm, thương hiệu, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, coi thường quyền lợi NTD./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com