Nghề đan cót ở Ngọc Đông

08:03, 07/03/2013

Làng Ngọc Đông, xã Trực Thanh (Trực Ninh) có gần 1.000 hộ dân thì có hơn 600 hộ làm nghề đan cót. Nghề làm quanh năm, phù hợp với nhiều đối tượng, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng. Mỗi ngày, người thợ đan cót có thể đan được từ 6-10 lá cót. Với giá bán trung bình 15 nghìn đồng mỗi lá cót, trừ chi phí, công lao động của mỗi người cũng được khoảng 40-70 nghìn đồng/ngày.

Thu mua cót tại cơ sở của ông Bùi Văn Tuyền, xóm 7, Ngọc Đông, xã Trực Thanh.
Thu mua cót tại cơ sở của ông Bùi Văn Tuyền, xóm 7, Ngọc Đông, xã Trực Thanh.

Vừa thoăn thoắt đan cót, ông Nguyễn Đình Thịnh, xóm 9 vừa kể, nghề đan cót là nghề “cha truyền con nối” ở quê ông. Trẻ trong làng lên 6-7 tuổi ngoài lúc đi học cũng có thể đan được mỗi ngày một lá cót. Người già 60-70 tuổi vẫn chẻ nan, đan cót cùng con cháu. Nhờ nghề đan cót, người dân trong làng có việc làm quanh năm để tăng thu nhập. Ông Cao Văn Chín, xóm 7, một trong những “lão làng” trong nghề cho biết: Để làm ra một lá cót hoàn thiện phải tỉ mỉ từ khâu nguyên liệu. Nứa phải ngâm kỹ trong nước rồi mới pha thành ống, từng thanh nhỏ 1,5-2cm và chẻ tiếp thành nan mỏng. Chẻ nan là khâu khó nhất, sao cho mỏng đều, không giập, xơ. Nan được phơi khô trước khi đan. Loại cót phổ biến có chiều dài 3-4m, rộng 0,7-0,8m. Nhiều gia đình trong làng giàu lên nhờ nghề đan cót như hộ các ông Trần Đình Tấn, Hoàng Văn Kim ở xóm 7; Ngô Bá Quý, xóm 14... Nghề đan cót phát triển, nhiều hộ trong làng đứng ra mua nguyên liệu, giao cho các hộ gia công và thu mua lại sản phẩm để tiêu thụ. Ông Tuyền hiện là chủ cơ sở thu mua cót có tiếng ở làng. Mỗi tháng gia đình ông đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 20 tấn nứa, giang, vầu từ Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa)... về  giao cho các hộ đan cót, thu mua 3.000-4.000 lá cót. Hiện tại, cót thường được dùng trong thi công xây dựng. Sản phẩm cót của Ngọc Đông được tiêu thụ rộng rãi cho các chủ xây dựng trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... Tuy nhiên, ở Ngọc Đông người dân mới chỉ đan loại cót xây dựng, ít hộ đan loại cót ép trần, thị trường tiêu thụ loại cót  này chưa ổn định, vẫn còn phụ thuộc vào “mùa vụ” xây dựng. Cót ép trần là loại cót đòi hỏi chất lượng nan cũng như kỹ thuật cao hơn, giá bán cao hơn nhiều so với cót xây dựng. Hơn nữa, mặt hàng cót ép trần không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là một tiềm năng cần khai thác, tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm.

Để nghề đan cót ở Ngọc Đông ngày càng phát triển, các hộ làm nghề cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu. Căn cứ vào tiêu chí của Bộ NN và PTNT, năm 2012, Hội đồng xét duyệt nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh đã xét duyệt, đề nghị UBND tỉnh quyết định cấp giấy công nhận làng nghề đan cót Ngọc Đông. Đây là động lực để nhân dân làng Ngọc Đông tiếp tục xây dựng, phát triển nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com