Một báo cáo được công bố mới đây do nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển (DEGR) thuộc Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, về năng lực cạnh tranh và công nghệ, đã cho thấy nhiều kết quả bất ngờ liên quan tới năng lực cạnh tranh và sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp. Báo cáo cho biết: Hầu hết các Cty trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới công nghệ trong việc nâng cao năng lực và chất lượng các sản phẩm. Trong đó, động lực chính để các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ là nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm. Tiếp theo là muốn tăng năng suất. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là có tới 84% doanh nghiệp được điều tra cho biết họ không hề có bất cứ chương trình cải tiến hoặc phát triển công nghệ nào. Ngay cả trong số những doanh nghiệp có đầu tư cho công nghệ, chỉ khoảng 3% hiện đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra thông qua đầu tư vào công nghệ mới, phù hợp với sản phẩm, hoạt động sản xuất của mình, còn lại các doanh nghiệp chỉ đầu tư hạn chế và đổi mới công nghệ hiện có. Nguyên nhân cơ bản được các doanh nghiệp đề cập là thiếu nguồn vốn. Phần lớn doanh nghiệp muốn cải tiến công nghệ đều sử dụng vốn đi vay hoặc vốn tự có (trong số các doanh nghiệp có thực hiện đổi mới công nghệ, trên 75% là vốn của doanh nghiệp, trong khi vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ khoảng 0,18% và 1,28% là từ vốn đầu tư mạo hiểm). Hơn 60% trong tổng số 565 doanh nghiệp trả lời nghĩ rằng đầu tư mua những công nghệ sẵn có là quá tốn kém.
Bên cạnh đó, thiếu lao động có tay nghề và thiếu một cơ sở hạ tầng cơ bản cũng là những yếu tố trì hoãn việc tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết, chuyển giao công nghệ có thể diễn ra khi có được một thoả thuận hợp đồng an toàn giữa doanh nghiệp và đối tác. Song chỉ khoảng chỉ có 1,4% doanh nghiệp Việt Nam được điều tra có hợp đồng dài hạn (3 năm hoặc lâu hơn) và gần 15% doanh nghiệp trong số này đã đầu tư thêm vào công nghệ hay tổ chức sản xuất theo những hợp đồng đó.
Có đội ngũ lao động tay nghề cao là cơ sở để doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới. Ảnh: Internet |
Một vấn đề đáng quan tâm khác là việc thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp. Theo phân tích của CIEM, tăng trưởng kinh tế đã tạo ra nhiều thách thức mới đối với chính sách công nghiệp. Khi Việt Nam đang ngày càng chịu sức ép lớn hơn, phải cạnh tranh với các nhà sản xuất chi phí thấp trong khu vực và quốc tế cả ở trong nước thì khả năng bảo vệ môi trường và tạo việc làm tốt cho người lao động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên quan trọng.
Kết quả điều tra cho thấy: Khoảng 1/3 các doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết đã có các chính sách TNXH dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Ở góc độ bảo vệ người lao động, báo cáo cũng cho rằng: Trái ngược với các nền kinh tế đang nổi lên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều đã tham gia BHXH, BHYT và tiền chấm dứt hợp đồng cho người lao động. Tuy nhiên, ở hầu hết các chỉ tiêu, chỉ có doanh nghiệp nhà nước đi đầu về bảo trợ xã hội tại nơi làm việc, bao gồm quyền của người lao động, sức khoẻ và an toàn lao động, hỗ trợ người lao động nhiễm HIV/AIDS, đào tạo cán bộ. Những chỉ tiêu của “hợp đồng lao động tốt” này vẫn chưa được chú trọng tại các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, do Việt Nam đang có nhiều chính sách đẩy mạnh khối kinh tế tư nhân, tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng doanh nghiệp không đánh mất văn hoá bảo trợ càng cần được nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, một khi cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp tăng lên, các doanh nghiệp có thể giảm hoặc loại bỏ các hoạt động TNXH. Trong khi đó, thực tế cũng cho thấy: Có rất ít sự hỗ trợ dành cho doanh nghiệp để thực thi các chính sách TNXH của mình, ngay cả đối với những hỗ trợ rất ít tốn kém như cung cấp thông tin có liên quan cho doanh nghiệp. Hình thức hỗ trợ phổ biến nhất được sử dụng là giảm thuế, nhưng chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp được hưởng. Giảm thuế thường được các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng. Do đó, để việc thực thi TNXH của doanh nghiệp được hiệu quả hơn, Chính phủ có thể đóng một vai trò tích cực bằng việc rà soát và lồng ghép các chính sách khuyến khích của doanh nghiệp thực hiện TNXH của mình, cung cấp thông tin được rộng rãi, đến với nhiều doanh nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua cải thiện những hạn chế về phát triển công nghệ, báo cáo khuyến nghị: Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới, tuy nhiên các cơ chế hiện hành của Chính phủ thường rất quan liêu và khó tiếp cận đối với doanh nghiệp tư nhân, hầu hết hỗ trợ được phân bổ cho khu vực Nhà nước. Do đó, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận dễ dàng hơn với cơ chế hỗ trợ hiện hành và tăng khả năng tiếp cận tài chính của họ là một khía cạnh quan trọng của chính sách công nghiệp của Việt Nam. Thủ tục tiếp cận chương trình hỗ trợ của Chính phủ nên được công khai, giảm thiểu giấy tờ và thủ tục hành chính liên quan./.
Theo: BHXH