Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã qua chặng đường 3 năm, được toàn xã hội hưởng ứng và thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Đóng góp vào sự thành công đó là vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc vận động mọi tầng lớp nhân dân dùng hàng Việt. Nhờ đó, cục diện tiêu dùng đã thay đổi. Tuy nhiên cũng cần nhận thấy rằng, ý thức người tiêu dùng tuy đã chuyển biến nhưng vẫn chưa thật vững chắc. Còn nhớ cách đây 3 năm, Tập đoàn Truyền thông hàng đầu thế giới Grey Group từng công bố kết quả điều tra, rằng người Việt "sính ngoại nhất châu Á” trong số 16 nước được khảo sát. Theo Grey Group, thời điểm đó 70% số người Việt Nam được hỏi ưa thích hàng ngoại.
Con số Grey Group đưa ra có thể chưa sát thực tế, bởi đối tượng người tiêu dùng nông thôn ở ta là rất đông. Nhưng đó thực sự là một cảnh báo, vì nếu tình hình không thay đổi thì hậu quả là nền sản xuất của Việt Nam sẽ điêu đứng, nhất là đối với những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, hàng gia dụng phục vụ đời sống dân sinh. Vào thời điểm đó, tâm lý sính ngoại tràn lan, từ em bé trở lên cũng thích hàng ngoại. Trên những chiếc áo phông, trên những chiếc mũ cũng phải là nhãn hiệu nào đó (cho dù là hàng nhái) và những chữ nước ngoài. Giới trẻ coi việc săn lùng hàng ngoại, đổ tiền ra mua hàng ngoại là chuyện tất nhiên, có như vậy mới sành điệu. Tâm lý sính ngoại đi liền với sự phô trương, thói quen chi tiêu xa xỉ. Đặc biệt, điều đó khiến hàng hóa trong nước rơi vào tình trạng ế ẩm, xa lạ ngay trên quê hương mình. Người ta quay lưng với hàng hóa do chính đồng bào mình sản xuất ra, không biết rằng hành động đó đang giết dần giết mòn nền sản xuất trong nước, khiến chúng ta không bao giờ tự chủ được nền kinh tế của chính mình.
Lễ khai mạc Hội chợ Hàng Việt. Ảnh: Internet. |
Hẳn nhiều người chưa quên, thời gian đó, ngay đến gạo mà nhiều người thành phố cũng thích ăn gạo ngoại chứ không phải gạo Việt Nam. Chúng ta đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ nhất, thứ nhì thế giới; là cường quốc lúa gạo, nông phẩm, nhưng không ít bà nội trợ lại mua gạo Thái về ăn.
Trong tình thế đó, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là sự kêu gọi mà thực sự đã cảnh tỉnh tâm lý xã hội. Nhưng một thói quen tiêu dùng không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Cần phải rất nhiều nỗ lực, trong đó có vai trò của truyền thông tác động từng ngày vào suy nghĩ của con người, từ đó thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng mới: hướng về hàng sản xuất trong nước, như một biểu hiện của tình yêu nước. Không cực đoan tẩy chay hàng ngoại nhưng hãy ưu tiên khi chọn lựa dùng hàng Việt Nam, đó là một thái độ ứng xử đúng. Cuộc vận động không chỉ thức tỉnh người tiêu dùng, nó còn là một cú hích quan trọng đối với nhà sản xuất. Họ nhận ra rằng chính mình đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra cái tâm lý sính ngoại kia, do sản phẩm của mình làm ra không tốt, không đẹp, giá lại cao. Từ đó, các nhà sản xuất phải thay đổi. Đó là điều sống còn trong một xã hội cạnh tranh.
Quay lại vấn đề, vì sao hàng Việt Nam không chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam? Xét cho cùng, những cái "lườm nguýt” của người tiêu dùng với các sản phẩm thương hiệu Việt không phải là vô cớ. Giới chuyên gia trong lĩnh vực phân phối đã tổng kết lại những điểm yếu của sản phẩm thương hiệu Việt, bao gồm:
- Chất lượng không cao, tính năng kém hấp dẫn.
- Dịch vụ bảo hành (hậu mãi) kém, không chú ý chăm sóc khách hàng.
- Thiếu thái độ nhận lỗi, không dám mạnh dạn đưa ra thông tin rõ ràng về những sản phẩm bị lỗi, nguyên nhân lỗi, biểu hiện của lỗi và quan trọng nhất là chấp nhận thu hồi những sản phẩm này.
- Mẫu mã chậm thay đổi.
- Giá thành cao, nhiều mặt hàng cùng chủng loại giá cao hơn hàng ngoại.
Đây là một sự "chẩn bệnh” cần thiết, là lời nhắc nghiêm khắc đối với các nhà sản xuất trong nước. Để người Việt Nam quay lại dùng hàng trong nước sản xuất thì trước hết nhà sản xuất phải nhìn nhận những khiếm khuyết của mình, phải chủ động và thực lòng sửa chữa. Nhưng đáng tiếc, không ít người nhận ra lỗi nhưng vẫn trượt theo tâm lý thói quen, tâm lý độc quyền thời bao cấp khan hiếm hàng hóa nên không thay đổi, để cho hàng hóa sản xuất ra rơi vào tình trạng ế ẩm. Cũng có người nhận ra, muốn thay đổi nhưng năng lực tài chính cũng như kiến thức chuyên ngành không đạt, nên sản phẩm dù có sửa đổi thì cũng không triệt để, đôi khi lại trở nên méo mó.
Trong câu chuyện này, bài học của người Nhật là rất bổ ích. Người Nhật sản xuất ra sản phẩm công nghệ mặc dù là cùng seri nhưng vẫn phân làm 2-3 loại. Loại tốt nhất là để trong nước cho người dân dùng, hai loại kia mới xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì thế, người Nhật luôn tự hào về sản phẩm của họ là sản phẩm tốt chất lượng cao và luôn ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Còn ở ta, hàng hóa tốt thì xuất khẩu, hàng trong nước thuộc loại "phế phẩm” của xuất khẩu người dân mới được dùng, rõ nhất là ở lĩnh vực da giày và dệt may. Đáng buồn thêm là một số mặt hàng do người Việt Nam làm ra nhưng buộc phải lấy thương hiệu một hãng nào đó nước ngoài thì mới bán được. Coi thường người tiêu dùng trong nước sẽ dẫn đến hậu quả rất lâu dài. Cần nhắc lại câu chuyện về cuộc chiến kéo dài trên đất Úc tới 8 năm của thương hiệu cà phê khổng lồ Starbucks (Mỹ). Sau 8 năm "kiên cường” giành giật thị phần, cuối cùng Starbucks đành nhận thua, rút khỏi xứ sở kanguru do người Úc đã quá tin vào cà phê của nước mình. Sự việc này cho thấy, tâm lý, thói quen của người tiêu dùng cần phải được tôn trọng, phải xây dựng vun đắp từng li từng tí, từ năm này sang năm khác chứ không phải là thái độ coi thường, bỏ lửng.
Trở lại với việc người Việt - hàng Việt, câu chuyện phải tới từ hai phía: thái độ tích cực của nhà sản xuất và ý thức của người tiêu dùng. Cả hai đều quan trọng như nhau, yếu tố này tác động đến yếu tố kia trong một vòng tròn khép kín. Nhà sản xuất cũng không nên kỳ vọng vào sự bảo hộ của Nhà nước, để rồi tự ta đá bóng một mình trên sân ta, mà phải vượt lên chính mình, dám thách thức với bất cứ sản phẩm nhập ngoại nào. Người Việt Nam ta sau hơn 3 năm của cuộc vận động đã ý thức rõ ràng hơn về việc ưu tiên dùng hàng nội địa, nhưng họ có quyền đòi hỏi hàng hóa mình bỏ tiền mua về phải đạt chất lượng, phải đẹp, giá hợp lý. Đó là đòi hỏi chính đáng. Dựng lên rào cản bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước không thật khó, cái khó hơn là nâng chất lượng hàng hóa, là tạo nên thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng.
Vui mừng vì cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa rộng và đi vào chiều sâu với những kết quả thấy rõ, nhưng cũng không thể vì thế mà tự mãn, dừng bước. "Sân” của ta thì ta phải giữ lấy, cũng như ruộng đất của ta thì ta tích cực cấy trồng chứ không thể để người nước ngoài vào canh tác trên đất của ta./.
Theo: daidoanket.vn