Theo quy luật, hiện đang là thời điểm ngành chăn nuôi bước vào vụ sản xuất mới, tái đàn sau khi đã cung ứng một lượng lớn đàn gia súc, gia cầm thương phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời tiết vụ đông xuân, cùng với vi-rút gây bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tồn tại ở những ổ bệnh cũ, lưu hành trong không khí làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đã tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Cụ thể, những tháng đầu năm, cả ba loại dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh và lở mồm long móng đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương và có nguy cơ lan ra diện rộng. Theo Cục Thú y, đến thời điểm này đã có năm tỉnh xuất hiện cúm gia cầm là Điện Biên, Kiên Giang, Khánh Hòa, Hậu Giang và Tây Ninh, với những biến chủng khó lường của vi-rút cúm A/H5N1 gây lo ngại cho sức khỏe cộng đồng; ba tỉnh xuất hiện dịch lợn tai xanh là Quảng Nam, Long An và Quảng Trị; còn tỉnh Sơn La đến nay cũng chưa dập tắt được dịch lở mồm long móng gia súc.
Trước nhu cầu chính đáng của người dân về việc tái đàn, phát triển chăn nuôi, vấn đề đặt ra là cần phải khẩn trương ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trên thực tế, ngành chăn nuôi và kinh tế đất nước đã từng bị thiệt hại nặng nề từ việc chống dịch trong những năm qua. Vì thế, để việc tái đàn, phát triển chăn nuôi hiệu quả, ngay từ bây giờ, các địa phương cần rà soát, thống kê sơ bộ đàn gia súc, gia cầm hiện có và xây dựng kế hoạch phát triển quy mô, cơ cấu đàn phù hợp tiềm năng sản xuất và tiêu thụ; bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi, kiểm soát và xử lý triệt để ổ dịch, tránh nguy cơ phát tán dịch bệnh. Trong đó, việc tổ chức khôi phục chăn nuôi lợn và gia cầm sau Tết cũng cần thận trọng, không nên tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong những năm trước.
Về công tác phòng, chống dịch, từng địa phương cần chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ với ngành thú y thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, lập chốt kiểm dịch, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra ngoài ổ dịch; thường xuyên có các đoàn kiểm tra đến tận thôn, bản, ấp, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao chỉ đạo, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân hiểu đúng về diễn biến dịch, tự nguyện hợp tác với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong thực thi các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, cũng như sự phối hợp bền bỉ của các ngành có liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện thành công Đề án của Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến cung ứng thực phẩm sạch./.
Theo: nhandan.com.vn