Ưu đãi đầu tư, tạo lực hút FDI

08:02, 26/02/2013

Chính sách ưu đãi đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập cần nhanh chóng khắc phục để tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam.

Nguồn vốn FDI thời gian qua hướng nhiều vào các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều tài nguyên, tận dụng chính sách bảo hộ công nghiệp, trong khi FDI vào các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường còn chưa nhiều. Tỷ lệ các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực định hướng như kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến sau thu hoạch, dịch vụ trung gian, dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn nhỏ... Đây là một trong những mặt hạn chế của hoạt động đầu tư nước ngoài được Bộ KH và ĐT nhận định. Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH và ĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, một trong những nguyên nhân hạn chế dòng vốn FDI vào Việt Nam theo đúng định hướng là do các chính sách ưu đãi đầu tư tuy thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng còn dàn trải, chưa đủ sức hấp dẫn, chưa tập trung đúng mức vào những ngành, lĩnh vực và đối tác cần thu hút.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã bỏ ưu đãi cho các dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Trong khi đó, mức ưu đãi theo quy định lại chưa đủ sức hấp dẫn với ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư (thí dụ như công nghiệp hỗ trợ), lại thiếu linh hoạt và sự phân loại ưu tiên đối với các dự án FDI như dự án có tính lan tỏa cao, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của địa phương, vùng...

Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: Internet
Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: Internet

Không chỉ vậy, Luật Thuế TNDN đã bãi bỏ quy định ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng quy định tại Luật Đầu tư. Ưu đãi thuế TNDN chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư. Quy định này đã khiến nhiều dự án đầu tư mở rộng như Samsung, Kumho, Rober Bosh, Formosa... không được hưởng ưu đãi thuế TNDN như dự án đầu tư mới trong khi dự án đầu tư mở rộng còn có quy mô vốn lớn hơn nhiều so với vốn đăng ký ban đầu. Trên thực tế, một số nhà đầu tư đã tìm cách chuyển hướng đầu tư sang các nước khác để có thể được hưởng ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Theo Bộ KH và ĐT, quy định này không phù hợp với chủ trương khuyến khích nhà đầu tư dùng lợi nhuận để tái đầu tư, đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh việc thu hút đầu tư mới gặp nhiều khó khăn. Kết quả thu hút FDI năm 2012 vừa qua đã cho thấy, lượng vốn FDI đăng ký mới tuy giảm nhưng lượng vốn đăng ký tăng thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đây là những nhà đầu tư có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam nên cần có chính sách khuyến khích ưu đãi về thuế TNDN.

Bên cạnh đó, quy định trong Luật Thuế TNDN chỉ áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với DN mới thành lập từ dự án đầu tư cũng chưa thật sự phù hợp với thực tế DN có thể đầu tư đa lĩnh vực, ngành nghề theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và khu vực trong thu hút FDI ngày càng trở nên gay gắt thì việc bổ sung, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư càng trở nên cấp bách. Theo Bộ KH và ĐT, về dài hạn, cần thay đổi căn bản việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ chuyên ngành, địa phương xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư như thuế, đất đai, xuất nhập khẩu... nhằm bảo đảm tính thống nhất và xuyên suốt với định hướng thu hút đầu tư và các hỗ trợ khác ngoài hàng rào, trong hàng rào, bảo lãnh, đào tạo... Chính sách ưu đãi đầu tư cần xây dựng trên nguyên tắc hậu kiểm có điều kiện và thời hạn, thay vì phương thức tiền kiểm như hiện nay với định hướng là tập trung ưu tiên vào ngành, lĩnh vực cần phát triển, vào các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần quy định thêm cơ chế ưu đãi thỏa thuận để áp dụng đối với các dự án đặc thù. Tuy nhiên, để có cơ sở xem xét, quyết định ưu đãi thỏa thuận một cách rõ ràng, minh bạch, tránh cơ chế "xin cho" cũng như giám sát thực hiện đối với các dự án này, cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí (công nghệ cao, giá trị gia tăng, liên kết, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, sử dụng công nghệ xanh, đóng góp cho ngân sách...) thay vì chỉ dựa vào tiêu chí lĩnh vực và địa bàn như hiện nay...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài GS, TS Nguyễn Mại nhìn nhận, ưu đãi đầu tư không chỉ có thuế mà còn bao gồm cả những ưu đãi tài chính (tín dụng lãi suất thấp, bảo hiểm tín dụng...) và ưu đãi phi tài chính (sử dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ với giá cả thấp, ưu tiên lựa chọn thị trường...). Việt Nam hiện mới chỉ chú trọng ưu đãi về thuế. Ưu đãi này cho dù có tác dụng như một lực hút FDI nhưng không đồng đều đối với các nhà đầu tư và các vùng lãnh thổ. Nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp vừa và nhỏ coi trọng ưu đãi thuế, trong khi nhà đầu tư lớn với chiến lược dài hạn đòi hỏi những ưu đãi khác. "Khi Việt Nam hướng đến thu hút FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới thì cần coi trọng những ưu đãi khác ngoài thuế với quy định công khai, minh bạch và ổn định, mới đủ sức hấp dẫn các TNCs.", GS, TS Nguyễn Mại nói. Đến nay, mới chỉ có hơn 100 TNCs trong số 500 TNCs có mặt tại Việt Nam, trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 400. Việc quy định các ưu đãi đầu tư cũng cần tránh vượt quá mức cần thiết, lãng phí, dẫn đến bóp méo cơ chế ưu đãi đầu tư./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com