Năm 2012, ngành Du lịch đón tiếp và phục vụ gần 6,85 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách trong nước, tổng doanh thu từ du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. Những con số trên tăng so với năm 2011 tương ứng là 13,8%, 8% và 23%. Ngành du lịch được đánh giá là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của Việt Nam, góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu hút nguồn ngoại tệ lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những nhà quản lý du lịch cần có chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến rõ ràng và mang tính dài hạn nhằm tạo sức bật cho ngành công nghiệp không khói quan trọng này.
Vẫn thiếu tính chuyên nghiệp
Theo các chuyên gia về du lịch, du lịch Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Hình ảnh về du lịch Việt Nam đã bắt đầu được biết tới trên thị trường du lịch thế giới và khu vực. Việt Nam được đánh giá là một trong những nhóm nước có triển vọng tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, nhưng du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn. Ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tạo được một sản phẩm du lịch Việt Nam mang tầm vóc thương hiệu du lịch quốc gia. Điều cơ bản nhất mà du lịch Việt Nam đang thiếu là tính chuyên nghiệp.
Sự thiếu chuyên nghiệp đó thể hiện ở nhiều khâu, trong đó quan trọng nhất là khâu phối kết hợp thiếu hiệu quả của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch, từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển đến siêu thị, cửa hàng lưu niệm và các điểm du lịch. Có những điểm du lịch được giới thiệu như là thiên đường nghỉ ngơi, trong các ấn phẩm du lịch, sách hướng dẫn du lịch, trên trang web... nhưng khi du khách mới đặt chân đến sân bay đã vấp phải không ít sự khó chịu như cơ sở hạ tầng sân bay còn lạc hậu, môi trường bị ô nhiễm, kinh doanh chụp giật, chất lượng sản phẩm và dịch vụ không đúng như quảng cáo và nhiều hạn chế khác.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam bắt đầu quan tâm xây dựng và củng cố thương hiệu và thường đầu tư từ 1-5% doanh thu cho xây dựng và quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp du lịch hiện còn gặp khó khăn về nhân lực, tài chính, giá dịch vụ, tình trạng vi phạm bản quyền cũng như cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.
Cần có bản sắc riêng
Theo ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm xác lập hình ảnh du lịch của một quốc gia một cách rộng rãi đối với khách du lịch trên toàn cầu là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác marketing điểm đến để khẳng định vị thế cạnh tranh của quốc gia với tư cách là một điểm đến du lịch quốc tế trên thị trường quốc tế. Để thu hút khách du lịch, các nước quan tâm phát triển du lịch đều phải chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia trên thị trường du lịch thế giới và khu vực. Thương hiệu du lịch quốc gia không chỉ là những yếu tố hữu hình như khẩu hiệu quảng cáo, logo, trang web mà còn gồm các yếu tố vụ hình như thông tin quảng cáo, quan hệ công chúng và marketing trực tiếp, các sự kiện đặc biệt, chiến lược bán và thực hiện sản phẩm/dịch vụ du lịch. Thương hiệu luôn luôn là hỗn hợp của tất cả các yếu tố này trong mối liên kết chặt chẽ với nhau.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy, điểm đến của du lịch sinh thái. Ảnh: Internet |
Tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt, độc đáo và đặc trưng của một điểm đến du lịch. Hơn nữa, thương hiệu được sử dụng để chào bán những giá trị độc đáo này tới khách du lịch tiềm năng. Tạo dựng thương hiệu điểm đến du lịch có thể giảm rủi ro cho khách du lịch khi quyết định lựa chọn địa điểm du lịch cho kỳ nghỉ của họ. Khách du lịch cảm thấy tin tưởng với một thương hiệu mạnh vì nó cung cấp kiến thức, thông tin, an ninh và sự chắc chắn. Tuy nhiên, ý tưởng để tạo dựng thành công một thương hiệu điểm đến du lịch đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và mất nhiều năm. Thương hiệu điểm đến không chỉ tạo ra mà còn quảng bá những đặc trưng một đất nước, một vùng hoặc một thành phố và để thành công, thương hiệu điểm đến cần phải độc đáo và khác biệt. Nếu một nước, một khu vực hoặc một điểm du lịch liên quan khác có các sản phẩm tương tự rồi thì sức mạnh của thương hiệu nhanh chóng biến mất. Vì vậy, luôn luôn phải chú ý tới đối thủ cạnh tranh để xây dựng thương hiệu cho phù hợp.
Tạo dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định năm 2013, khó khăn và thách thức còn nhiều cả trên thị trường thế giới cũng như trong nước nhưng những yếu tố thuận lợi cơ bản thì chúng ta đã tạo dựng nên trong quá trình vừa qua. Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh du lịch trọng điểm, năm qua đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư nguồn nhân lực du lịch. Xu hướng này sẽ thúc đẩy quá trình phát triển du lịch từ diện rộng sang chiều sâu. Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, sẽ tiếp tục triển khai các đề án thu hút khách du lịch từ 8 thị trường du lịch trọng điểm gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Australia, Pháp, Nga. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần liên kết để xây dựng thương hiệu không chỉ riêng cho doanh nghiệp mà cho thương hiệu du lịch của quốc gia.
Cũng theo các chuyên gia về hoạt động du lịch, để xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch thế giới và khu vực, làm cho khách du lịch trên toàn cầu có ấn tượng đặc biệt về thương hiệu du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Việt Nam cần thực hiện một số chủ trương và biện pháp như xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch Việt Nam nằm trong Chiến lược marketing du lịch Việt Nam; xây dựng hình ảnh du lịch quốc gia dựa trên nền tảng văn hoá và tiềm năng thiên nhiên đa dạng của Việt Nam để khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam. Cùng với việc thiết lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở những thị trường trọng điểm và tiềm năng và hình thành mạng lưới trung tâm thông tin du lịch tại các thành phố, trung tâm du lịch lớn ở trong nước để thúc đẩy quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam, ngành du lịch cũng cần thúc đẩy quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài thông qua sự hiện diện thường xuyên của du lịch Việt Nam tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế có tính chuyên nghiệp cao và sự hợp tác chặt chẽ của du lịch Việt Nam với hãng Hàng không Việt Nam. Đồng thời, huy động mọi cấp, mọi ngành và mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động tiếp thị, xúc tiến một hình ảnh Việt Nam mới, năng động và đầy sức bật để khẳng định vị thế của thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch toàn cầu./.
Theo: vietnamplus.vn