Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

09:02, 25/02/2013

Theo thống kê của Sở NN và PTNT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có 70% số cơ sở chăn nuôi là chăn nuôi tự phát, tận dụng, phân tán, chuồng trại xây dựng gần khuôn viên nhà ở, trong khu dân cư… nên đã ảnh hưởng lớn đến môi trường. Các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, mặc dù đã cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải nhưng hiệu quả chưa cao. Chất thải trong chăn nuôi được phân làm 3 loại: chất thải rắn, chất thải lỏng và khí thải (gồm CO2, NH3)… Trong đó, một phần của chất thải rắn được ủ làm phân bón; chất thải lỏng (nước tiểu, nước tắm cho vật nuôi, nước rửa chuồng) đa phần đều chảy trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước chung với khu dân cư; còn các loại khí thải là yếu tố gây hiệu ứng nhà kính.

Mô hình chăn nuôi lợn sử dụng công nghệ khí sinh học Biogas của hộ ông Trần Văn Lương, xóm 6, thôn An Đạo, xã Hải An (Hải Hậu).
Mô hình chăn nuôi lợn sử dụng công nghệ khí sinh học Biogas của hộ ông Trần Văn Lương, xóm 6, thôn An Đạo, xã Hải An (Hải Hậu).

Ngoài ra, khi đàn vật nuôi bị chết do dịch bệnh, một số người chăn nuôi vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh. Ước tính, có 80% các bệnh nhiễm trùng ở nông thôn có liên quan tới nguồn nước bị nhiễm vi sinh vật như: giun, sán, tả, bệnh ngoài da, bệnh về mắt… Nhận thức của người chăn nuôi về các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn hạn chế. Nhằm giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường, hướng tới một nền chăn nuôi an toàn bền vững, tháng 5-2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt dùng đệm lót sinh thái tại hộ anh Phạm Văn Hải, thôn Thi Châu, xã Nam Dương (Nam Trực) với quy mô  40 con lợn trên diện tích chuồng 60m2, trong đó 40m2 dùng đệm lót sinh thái. Kết quả khu chăn nuôi không còn mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh Hải cho biết, sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi còn giảm được công lao động, tiết kiệm chi phí điện, nước lại an toàn dịch bệnh... Bên cạnh đó, bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi ở tỉnh ta còn hạn chế, sự phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ; nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa đầy đủ, chưa trở thành ý thức và hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và người chăn nuôi…

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường. Cần có quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường tro ng trường hợp các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường. Phòng NN và PTNT và các ngành chức năng của các huyện, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tổ chức đánh giá hiện trạng hoạt động chăn nuôi tác động đến môi trường, đồng thời vận động người chăn nuôi đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng công nghệ biogas; phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi để hạn chế khí thải, tăng khả năng phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com