Quản lý kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam đang được siết chặt từ ngày 10-1-2013. Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu kỳ vọng, cũng dễ gây ra những tác động, trong đó nảy sinh những ngộ nhận...
Chống vàng hóa không bằng cách tiền tệ hóa vàng
Theo Điều 16 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này; bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối Nhà nước; thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp... Tuy nhiên, về cả bản chất và tính chất, cũng như cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế hiện nay, thì vàng đủ hàm lượng 99,99% dù của bất kỳ ai và dưới dạng hình thức nào cũng cần được đối xử bình đẳng và cũng như nhau về giá trị; tức không thể dùng ý chí chủ quan tạo sự chênh biệt giá cả lớn giữa vàng có "thương hiệu quốc gia" với vàng khác cùng hàm lượng % vàng như nhau. Nếu coi vàng được gắn "thương hiệu quốc gia" là vàng có giá trị chênh biệt cao hơn hẳn các vàng khác, thì vô tình hay cố ý đã biến vàng thành tiền quốc gia.
Nói cách khác, chủ trương thực hiện quản lý vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP để chống "vàng hóa" (nhất là coi vàng như công cụ thanh toán) là đúng và cần thiết, bảo đảm hiệu quả của chính sách tiền tệ quốc gia có mục tiêu. Song không vì thế mà ngộ nhận hoặc lạm dụng trong quản lý và kinh doanh vàng miếng, biến vàng miếng thành "đồng tiền quốc gia thứ hai".
Độc quyền và quản lý tập trung
Quản lý kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam đang được siết chặt từ ngày 10-1-2013. Ảnh: Internet |
Tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ là bảo đảm Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và quản lý tập trung thị trường vàng, chống lại các hoạt động đầu cơ và gây rối loạn thị trường vàng, cũng như thị trường tài chính - tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia. Điều này không có nghĩa là Nhà nước cho phép duy ý chí trong đưa ra các công cụ pháp lý và hành chính quản lý vàng, chống lại các quy luật kinh tế thị trường và yêu cầu kinh doanh vàng theo sát với động thái thị trường quốc tế; không cho phép sự vô tình hay cố ý tạo ra các nhóm lợi ích cơ hội. Bởi vậy, sẽ là ngộ nhận về mục tiêu và tinh thần xuyên suốt của Nghị định này, cũng như sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến đất nước nếu đóng cửa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, thiếu trách nhiệm xã hội, dù được biện minh bằng những lợi ích nào đó về cán cân thương mại và thanh toán.
Vì lợi ích chung
Nghị định 24 khẳng định, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Vì vậy, việc thực hiện quản lý kinh doanh vàng theo Nghị định này cũng đòi hỏi, một mặt, tiêu chuẩn hóa các cơ sở và điều kiện kinh doanh vàng miếng, giảm bớt những sức ép "đội" giá vàng trong nước do qua quá nhiều các "cầu trung gian" hay những hoạt động đầu cơ. Mặt khác, đề cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng, bảo đảm sự tiếp cận thuận lợi và quyền lợi của người mua và sở hữu vàng. Đồng thời, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
Điều cần nhấn mạnh, Nghị định này khẳng định rõ yêu cầu Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng vì lợi ích chung quốc gia, chứ không xóa bỏ quyền sở hữu và giao dịch vàng miếng của người dân, cũng như không biến quyền kinh doanh vàng miếng thành độc quyền và mang lại khối lợi nhuận khổng lồ béo bở cho bất kỳ doanh nghiệp hay một thương hiệu vàng nào. Với tinh thần đó, mọi biểu hiện không bảo đảm chất lượng dịch vụ và sản phẩm vàng miếng cung cấp cho thị trường, gây ách tắc cung - cầu, giá cả thị trường vàng trong nước phải được nhận diện đầy đủ và sâu sắc các nguyên nhân. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm cá nhân và tổ chức để xử lý kịp thời, nghiêm khắc, nhất là bảo đảm những nguồn lợi từ chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới kéo dài trong thời gian qua...
Theo số liệu, tính đến 10-1-2013, NHNN đã cấp phép kinh doanh vàng miếng cho 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp, với 2.497 điểm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Những đơn vị chưa được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng sẽ chỉ được mua bán vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng mà vẫn mua bán vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo Nghị định 95 ban hành năm 2011...
Từ thực tế thị trường vàng miếng thời gian qua và những nhận thức trên, đòi hỏi trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng theo đúng tinh thần Nghị định 24. Đặc biệt, cần chú ý khắc phục những ngộ nhận, thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong và ngoài nước, tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng theo hướng giảm dần giao dịch vàng miếng để chuyển sang giao dịch tập trung, có tổ chức các sản phẩm khác của vàng với hệ thống các công cụ bảo hiểm rủi ro... NHNN thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách và từng bước chủ động vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường. Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng trang sức mỹ nghệ; vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, các DN và ngân hàng khi thực hiện giao dịch vàng miếng; vừa bảo đảm nguồn thu vào NSNN./.
Theo: nhandan.com.vn