Hiệu quả bước đầu của các mô hình khai thác hải sản theo tổ, đội

08:02, 26/02/2013

Hiện nay, nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng suy giảm, nên đa số ngư dân đã tìm cách vươn ra khơi để khai thác đánh bắt. Để hạn chế rủi ro, đặc biệt là trong điều kiện tình hình thời tiết, an ninh trên biển đang có nhiều diễn biến phức tạp, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương ven biển đã quan tâm, tạo điều kiện thành lập các tổ; đội khai thác hải sản. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 35 tổ, đội khai thác hải sản với 1.125 tàu cá và 2.741 lao động, trong đó huyện Giao Thủy có 23 tổ, đội; huyện Hải Hậu 10 tổ, đội; huyện Nghĩa Hưng có 2 tổ, đội. Thông qua mô hình tổ, đội khai thác hải sản, ngư dân có điều kiện giúp đỡ nhau trong việc cứu hộ, cứu nạn trên biển, thông tin ngư trường, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, tạo tâm lý yên tâm sản xuất. Qua khảo sát của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (KTBVNLTS) tỉnh, các mô hình tổ, đội sản xuất trên biển của tỉnh chủ yếu được thành lập theo mô hình truyền thống và mô hình luân phiên, còn mô hình tàu mẹ - tàu con, mô hình ở đảo không được áp dụng. Hiện mô hình truyền thống chiếm khoảng 90%. Đây là mô hình mà các tàu khai thác hoạt động độc lập: lấy nguyên vật liệu ở bờ, ra biển khai thác và quay về bờ bán sản phẩm. Các tàu trong mô hình truyền thống và các cá nhân, tổ chức thu mua chế biến… có mối quan hệ rất mật thiết. Phần lớn các chủ nậu (người thu mua sản phẩm) đã đầu tư vốn để đóng tàu, mua sắm ngư cụ, cung cấp nước đá, xăng dầu...

Thu mua cá ở bến cá xã Hải Triều (Hải Hậu).
Thu mua cá ở bến cá xã Hải Triều (Hải Hậu).

Mô hình này thuận lợi cho quá trình tiêu thụ sản phẩm, tạo tâm lý yên tâm sản xuất, mở rộng ngư trường, giảm tối đa rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Còn mô hình luân phiên là mô hình mà các tàu trong tổ, đội hoặc trong gia đình thay phiên nhau vận chuyển sản phẩm về bờ và cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của các tàu trong tổ, đội. Mô hình này tiết kiệm được một phần chi phí vận chuyển nguyên liệu, cung cấp vật tư, tăng thời gian bám biển cho các tàu trong tổ đội, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác, tăng hiệu quả kinh tế. Với hai mô hình tổ, đội khai thác, số ngày khai thác trên biển của ngư dân tăng từ 2-4 ngày/chuyến đi biển. Năm 2011, Hiệp hội tàu cá xã Hải Lý đã hỗ trợ cứu được một tàu mắc cạn, Hiệp hội tàu cá xã Hải Chính cứu được 4 ngư dân khi tàu bị chìm… Ông Nguyễn Văn Xuyến, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: Năm qua, các tàu của xã đã bám biển liên tục từ 7-10 ngày mỗi chuyến ra khơi. Mô hình tổ, đội khai thác thuỷ hải sản bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho ngư dân, tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển hình thức quản lý khai thác mới. Nhiều tàu của xã Hải Triều đạt trên 100 triệu đồng/chuyến. Ông Xuyến cho biết thêm: Đội có 38 tàu có công suất lớn, hoạt động từ vùng biển Quảng Ninh đến Khánh Hòa…, sản phẩm khai thác chủ yếu là cá thu, nhiều con nặng trên 6kg nên có giá trị kinh tế cao. Đồng chí Lại Duy Đễ, Phó Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS cho biết, chi cục đang tích cực tuyên truyền về tính hiệu quả của mô hình tổ, đội khai thác hải sản, đồng thời vận động những tàu cá khai thác xa bờ chưa tham gia tổ, đội thành lập tổ, đội khai thác để hỗ trợ nhau trên biển.

Hai mô hình khai thác thuỷ hải sản xa bờ trên đang được ngành NN và PTNT, chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập tổ, đội. Hiện, các tổ, đội đã thành lập và chuẩn bị thành lập đang rất cần có sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nữa của các cấp về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư để thành lập và duy trì hoạt động./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com