Dạo quanh Thành phố Nam Định, trong khi nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu vắng khách, thì ở cửa hàng trên đường Trần Đăng Ninh lúc nào cũng đông khách xếp hàng mua. Thấy vậy tôi hỏi một người đang xếp hàng “đổ” xăng. Anh tự tin cho biết “Cả thành phố này tôi chỉ tin tưởng ở điểm bán này đủ lượng(!)”.
Để xác minh “nhận định” của người mua xăng nọ, trong 2 tuần tôi đổ xăng 4 lần cùng số tiền khi kim chỉ thị xăng vừa chớm vạch “đỏ” (2 lần tại cửa hàng gần nhà và 2 lần tại cửa hàng đường Trần Đăng Ninh). Thật bất ngờ 2 lần đổ xăng gần nhà mỗi lần kim chỉ thị xăng trên đồng hồ một khác, chủ yếu là thiếu; còn 2 lần đổ xăng tại cửa hàng đường Trần Đăng Ninh, kim chỉ xăng trên xe tôi đều đạt vạch tối đa. Tôi đem chuyện này kể với một người bạn. Anh cho rằng, có thể có cửa hàng gắn “chíp” để gian lận thương mại hoặc có cửa hàng khi người mua không để ý hoặc mải lấy tiền trong túi không quan sát đồng hồ trạm xăng, người bán bơm không đủ rồi dập ngay máy…
Người tiêu dùng thiết nghĩ, chất lượng xăng dầu thì đành phó mặc cho cơ quan chuyên môn nhưng về số lượng khách hàng nên để ý, kiểm tra. Hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ quyền lợi của mình, đừng để những kẻ “buôn gian, bán lận” “móc túi” bằng xảo thuật. Các ngành chức năng cũng cần có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng./.
T.A