Cùng nông dân hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

09:02, 27/02/2013

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực với số lượng hàng triệu tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu nông sản không đáng kể, đến nay ngành nông nghiệp nước ta đã vươn lên bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu có khối lượng đứng ở tốp hàng đầu thế giới như gạo, cà-phê, điều, hồ tiêu, cao-su, thủy sản... Thành công của ngành nông nghiệp trong thời gian qua có sự đóng góp khá tích cực và hiệu quả của hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Đa dạng các mô hình sản xuất

Được thành lập ngày 1-3-1993, qua 20 năm hoạt động, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh và trở thành hệ thống khá đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, giai đoạn nông nghiệp chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang phát triển kinh tế nông hộ, hệ thống khuyến nông cũng mới được thành lập, công tác khuyến nông chủ yếu tập trung phát triển kinh tế nông hộ, nhằm mục tiêu tăng năng suất, xóa đói, giảm nghèo. Song, từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, bên cạnh việc hỗ trợ đối tượng nông dân nghèo để xóa đói, giảm nghèo, nội dung hoạt động khuyến nông chuyển sang chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hóa, nông dân khá giả áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập và nhất là tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Từ đây, cùng với việc đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, hoạt động khuyến nông tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng kỹ thuật canh tác "ba giảm ba tăng", ứng dụng  nông nghiệp công nghệ cao, liên kết  chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ theo mô hình "cánh đồng mẫu", "trang trại mẫu"... tạo nên bước chuyển quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Nếu như trước năm 1993, diện tích gieo cấy lúa lai của Việt Nam chưa đáng kể, thông qua chương trình khuyến nông phát triển lúa lai, thì đến nay diện tích gieo cấy lúa lai trong cả nước đạt từ 650 đến 700 nghìn ha/năm (năng suất lúa trung bình tăng cao hơn lúa thuần khoảng 15 tạ/ha), nhất là nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, năng suất và sản lượng lúa tăng nhanh và bền vững nhờ đưa lúa lai chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu, góp phần tăng nhanh sản lượng lương thực. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các chương trình, dự án khuyến nông cải tạo đàn bò vàng, chăn nuôi bò sữa, lợn hướng nạc bảo đảm vệ sinh môi trường, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học, chăn nuôi dê, cừu; phát triển các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao như: trâu Yên Bái, bò Mông, gà Mông, lợn Móng Cái... đã  góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh, tận dụng là chính sang chăn nuôi có đầu tư, thâm canh.

Máy cấy trình diễn trong vụ mùa năm 2012 tại Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Internet
Máy cấy trình diễn trong vụ mùa năm 2012 tại Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Internet

Các chương trình khuyến lâm cũng được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, mà trọng tâm là ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất cao, chất lượng phù hợp, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu, làm thực phẩm; đẩy mạnh canh tác nông lâm kết hợp gắn việc trồng rừng. Các mô hình khuyến lâm đã  góp phần tăng độ che phủ rừng từ 35% trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20 lên đến 48% vào năm 2011, bảo đảm an ninh quốc phòng ở các vùng biên giới, hải đảo.

Hoạt động khuyến ngư cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển vượt bậc trong hai thập niên gần đây. Thông qua các chương trình trọng điểm như: phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi thủy sản nước mặn, lợ, nước ngọt, phát triển giống thủy sản, khai thác hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã giúp nông dân, ngư dân thay đổi sâu sắc về phương thức sản xuất thủy sản, từ chỗ chủ yếu dựa vào khai thác và nuôi thả quảng canh sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh theo quy hoạch, gắn với cơ sở chế biến, xuất khẩu.

Các chương trình khuyến nông về cơ giới hóa, bảo quản và chế biến nông, lâm sản cũng được triển khai, đã góp phần đưa nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển. Hiện nay, trong sản xuất lúa ở các vùng đồng bằng tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, vận chuyển đã đạt hơn 85%, trong khâu tưới tiêu hơn 90%, khâu thu hoạch hơn 60%, tạo điều kiện giải phóng lao động nặng nhọc và nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động lúc thời vụ căng thẳng, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, rút ngắn thời gian gieo cấy và thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trên lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và hoạt động khuyến nông đô thị, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đối với các loại nông sản có giá trị kinh tế cao, hệ thống khuyến nông đã hướng dẫn nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính). Vùng đô thị hướng dẫn nông dân sản xuất hoa, cây cảnh, cá cảnh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế biến các loại nông, lâm, thủy sản để gia tăng giá trị... Các địa phương đi đầu trong lĩnh vực này là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc và Cần Thơ.

Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông cả nước cũng đang tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn,

Phát triển nông thôn mới, Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình phòng tránh và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đổi mới hoạt động khuyến nông từ nhu cầu của nông dân

Nhằm góp phần tích cực vào thực  hiện thắng lợi mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta và tích cực hợp tác, hội nhập với các tổ chức khuyến nông trong khu vực và thế giới, trong những năm tới, hệ thống khuyến nông sẽ không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nông dân. Để đạt mục tiêu đó, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia TS Phan Huy Thông, hoạt động khuyến nông tập trung vào một số định hướng cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục kết hợp phương pháp tiếp cận khuyến nông từ nhu cầu của nông dân và tiếp cận theo chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm. Hệ thống khuyến nông cần bám sát chủ trương và chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu thực tế của nông dân, cũng như thực tiễn sản xuất để xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm, trước mắt tập trung vào những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, các tiểu vùng còn nhiều tiềm năng phát triển, các yếu tố sản xuất có nhiều cơ hội để ứng dụng khoa học công nghệ tạo sự tăng trưởng có tính đột phá.

Hai là, nội dung hoạt động khuyến nông cần cụ thể, thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ, các kinh nghiệm, điển hình tiên tiến, bám sát nhu cầu của nông dân và thực tiễn sản xuất  từng địa phương, từng thời gian, cần tránh cả hai khuynh hướng không tốt là: bảo thủ, ngại tiếp cận chuyển giao công nghệ mới hoặc nóng vội, chủ quan trong chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới dẫn đến thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh công tác phổ biến, chuyển giao khoa học, công nghệ, hoạt động khuyến nông cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nông trại, kiến thức kinh doanh, cung cấp thông tin, tăng cường kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản nhằm giúp nông dân chủ động tham gia vào thị trường công nghệ, vật tư và nông sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đa dạng hóa các phương pháp và phương tiện khuyến nông, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các kênh thông tin khuyến nông. Tiếp tục mở rộng các mô hình hoạt động dịch vụ, tư vấn khuyến nông trực tiếp tại các diễn dàn, các câu lạc bộ khuyến nông hoặc trên các phương tiện truyền thông, điện thoại, in-tơ-nét..., đáp  ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của nông dân.

Ba là, tiếp tục đề xuất bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến nông cho phù hợp xu hướng phát triển chung của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của nông dân. Phạm vi các chính sách khuyến nông mở rộng, bên cạnh chính sách hỗ trợ khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như hiện nay, cần bổ sung chính sách khuyến khích áp dụng sản xuất an toàn theo GAP, các giải pháp mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, các mô hình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản... Đồng thời thực hiện xã hội hóa, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông, trong đó hình thức hợp tác công - tư (PPP)  trong hoạt động khuyến nông cần được thí điểm, tổng kết và nhân rộng.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp. Mặc dù số lượng khá đông đảo nhưng chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ khuyến nông hiện còn nhiều hạn chế. Điều kiện làm việc vất vả nhưng chế độ đãi ngộ thấp cho nên khó động viên và thu hút cán bộ giỏi tham gia hoạt động khuyến nông, nhất là ở vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và chất lượng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông là yếu tố có ý nghĩa quyết định để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Trong đào tạo, bồi dưỡng, cần coi trọng cả bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và phương pháp, kỹ năng hoạt động khuyến nông, ứng dụng các  phương pháp khuyến nông tiên tiến để nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở./.

Theo: nhandan.com.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com