Đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn, phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường làm động lực tăng trưởng xanh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững… Đó vẫn là những “cụm từ khóa” nổi bật trong lịch trình nghị sự của nhiều hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra xuyên suốt năm 2012. Khép lại một năm đã qua, chúng ta cùng điểm lại 5 sự kiện quan trọng trong lĩnh vực này.
1. Hội nghị Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lần thứ 31 khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam ngày 15-3-2012 tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Hội nghị FAO 31 khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề an ninh lương thực (ANLT) và giảm đói nghèo ở khu vực nông thôn, đồng thời tin tưởng rằng qua hội nghị này, FAO sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ANLT và giảm đói nghèo tại khu vực nông thôn.
Thu hoạch tôm nuôi công nghiệp tại huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng. |
Trong nhiều thập kỷ qua, sự hỗ trợ của FAO cho Việt Nam là rất thiết thực và hiệu quả. Hiện nay FAO không chỉ là đối tác mà còn là nguồn hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho nông nghiệp Việt Nam. Tổng giám đốc Jose Graziano da Silva đánh giá cao những thành tựu nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là khi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vừa gia tăng sản lượng xuất khẩu, vừa đảm bảo được ANLT quốc gia. Ngoài ra, FAO sẽ cố gắng thúc đẩy hệ thống phát triển nông nghiệp bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng an toàn, tăng trưởng xanh trên cơ sở tiếp cận những công nghệ có sẵn, đặc biệt những công nghệ nhằm giảm bớt đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp như: phân bón, hóa chất, nước, năng lượng…
Đối với Việt Nam, FAO sẽ hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đảm bảo ANLT, chương trình phát triển và xây dựng nông thôn mới cùng nhiều nội dung khác, đặc biệt sẽ tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam các chuyên gia kỹ thuật trong 3 lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh là nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo và phát triển nông thôn.
2. Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về lâm nghiệp lần thứ 15 (ASOF 15) diễn ra ngày 28-6-2012 tại Hà Nội với sự tham gia của các quan chức cấp cao về lâm nghiệp của các nước thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện các đối tác ASEAN như Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng với nhiều diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành lâm nghiệp, ASOF 15 đã tập trung vào các nội dung chính, đặc biệt là về tiến trình thực hiện kế hoạch hành động chiến lược hợp tác lâm nghiệp ASEAN 2011-2015, phòng chống chữa cháy rừng, vấn đề quản lý rừng bền vững cũng như các chương trình và dự án hợp tác của ASEAN về lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, ASOF 15 cũng đã thảo luận một số phương cách tiếp cận mới để tìm ra tiếng nói chung về các vấn đề mới nổi liên quan đến lâm nghiệp như vấn đề về rừng và môi trường ASEAN, vấn đề hợp tác lâm nghiệp ASEAN - Hàn Quốc.
Ngành lâm nghiệp của các nước ASEAN đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn, miền núi tuy nhiên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đó là các vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích phát triển kinh tế ngày càng tăng; rừng tự nhiên đang bị suy giảm về diện tích và chất lượng; nạn khai thác, buôn bán gỗ, động, thực vật hoang dã trái phép vẫn xảy ra; vai trò và quyền lợi của cộng đồng và người dân địa phương chưa được chú trọng.
Để tăng cường hợp tác về lâm nghiệp trong khu vực ASEAN, ASOF 15 tiếp tục kiến nghị các nước cần chia sẻ thông tin và hợp tác mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa ở tất cả các cấp, các bên liên quan của cả cộng đồng ASEAN nhằm tận dụng các cơ hội để mỗi quốc gia có thể tìm hướng đi, cách làm sáng tạo, thích ứng với điều kiện của từng nước.
Nông dân huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang chăm sóc rừng trồng. |
3. Hội nghị toàn cầu nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu - AFC II, diễn ra tại Hà Nội - Việt Nam từ ngày 3 đến 7-9-2012 nhằm xem xét, đánh giá các kết quả đạt được cũng như đưa ra các điều chỉnh thích hợp trong lộ trình hành động từ Hội nghị AFC lần thứ I được tổ chức tại Hà Lan năm 2010, đồng thời thiết lập những ưu tiên mới, cụ thể hóa các hành động để thực hiện và phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, làm động lực tăng trưởng xanh trên toàn cầu.
Theo đó, để đảm bảo cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng... hiện đang được khai thác quá mức và sử dụng lãng phí cùng với tác động xấu đến môi trường. Để đạt được các mục tiêu nói trên đòi hỏi các quốc gia ngay từ bây giờ phải có các chính sách thông minh và toàn diện trong phát triển nông nghiệp; chuyển đổi các ngành nông nghiệp khác nhau thành một nền nông nghiệp khí hậu thông minh (CSA) nhằm ứng phó với tác động của BĐKH, có lồng ghép đầy đủ vào chiến lược phát triển tổng thể của các quốc gia. Tại hội nghị AFC II lần này, các hoạt động ưu tiên được tập trung vào việc xác định các nguồn tài chính mới, mở rộng và nghiên cứu cũng như chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân thông qua cơ chế hợp tác công tư (PPP), tăng cường quản lý rủi ro và đưa ra các giải pháp thực hiện thích hợp...
4. Diễn đàn tư vấn khu vực lần thứ 4 và Phiên họp lần thứ 32 của Ủy ban Nghề cá châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Fishery Commission (APFIC)) diễn ra từ 17 đến 19-9-2012 tại Việt Nam với sự chủ trì của Bộ NN và PTNT và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cùng nhiều đại diện chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự...
Tại chuỗi sự kiện này, các bên đã cùng trao đổi quan điểm về những vấn đề có liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường quản lý và quản trị nghề cá đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở khu vực này. APFIC cũng đã kêu gọi các nước quản lý hiệu quả hơn ngành đánh bắt thủy sản bằng lưới rà tại châu Á nhằm cân bằng sự cần thiết phải bảo toàn các hệ sinh thái thủy sản biển với nhu cầu cung cấp nguồn thức ăn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Thu hoạch lúa xuân bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Ảnh: Tất Thắc |
Các nước thành viên APFIC đã cùng nhất trí hành động theo hướng quản lý tốt hơn ngành đánh bắt bằng lưới rà của khu vực, bao gồm xây dựng các phương pháp tăng cường đánh giá dựa trên rủi ro, sẵn sàng tư vấn phương pháp thực hành tốt nhất cho quản lý nghề đánh bắt bằng lưới rà và giảm lượng cá đánh bắt không chủ đích trong hoạt động kéo lưới rà. Một khuyến nghị khác được phiên họp APFIC thông qua là cần phải có hiểu biết tốt hơn về những thay đổi trong hoạt động đánh bắt cá và cơ cấu ngành thủy sản để hỗ trợ cho các biện pháp quản lý hiệu quả hơn.
5. Hội nghị thường niên Nhóm hỗ trợ quốc tế (ISG) liên quan tới đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững diễn ra ngày 4-12-2012 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như: FAO, WB, IFAD, JICA, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hà Lan…
Hội nghị toàn thể ISG thường niên năm 2012 đã thảo luận về các thách thức và giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bao gồm những thay đổi trong thứ tự ưu tiên đầu tư công, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công, cải cách thể chế, đổi mới doanh nghiệp quốc doanh, chính sách ngắn hạn và dài hạn... Thông qua hội nghị ISG 2012, nhiều ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau của các nhà đầu tư, cộng đồng các nhà tài trợ, doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả và các địa phương… về những thách thức, cơ hội và chiến lược phát triển bền vững của ngành khi triển khai tái cơ cấu... đã được chia sẻ. Bộ NN và PTNT mong muốn qua sự kiện này sẽ đạt được sự đồng thuận về quan điểm, nguyên tắc, phương thức tiếp cận, các mục tiêu và định hướng chính về tái cơ cấu ngành, gắn liền với triển khai kế hoạch 2013 của ngành và cả nước./.
Nguyễn Tiến Dũng