Sau nhiều năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả kiểm tra năm 2012 của Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã cho thấy, các thôn, xóm đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng làng văn hóa, nếp sống văn hóa, thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước đề ra. Từ đơn vị đầu tiên được công nhận làng văn hóa là thôn Lạc Thiện (năm 1998), đến nay toàn xã có 15/17 thôn, xóm được công nhận làng văn hóa; các trường học, trạm y tế xã đều được công nhận đơn vị có nếp sống văn hóa; 2.180/2.371 hộ gia đình đăng ký xây dựng “gia đình văn hóa”.
Làng quê xã Đại Thắng (Vụ Bản) hôm nay. |
Cùng với phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, nhân dân trong xã đã đưa các loại cây dược liệu gồm ngưu tất, huyền sâm vào trồng, mang lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình, góp phần nâng cao đời sống người dân. Toàn xã có 2.396/2.928 hộ, bằng 81,5% có đời sống ổn định, trong đó có 17,5% hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 61% hộ có thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, chỉ còn 4,7% hộ nghèo, chủ yếu là các trường hợp già cả, cô đơn không nơi nương tựa. Hiện có 95% số hộ trong xã dùng nước máy. Môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Ngoài việc thành lập các tổ thu gom rác thải, nhiều năm nay nhân dân trong xã còn duy trì nền nếp phong trào “Ngày thứ bảy xanh”, phong trào “xanh - sạch - đẹp” đường làng, ngõ xóm. Hệ thống đường giao thông trong xã cơ bản được cứng hóa, thuận tiện cho việc đi lại. Hiện chính quyền và nhân dân trong xã đang triển khai xây dựng nâng cấp đường giao thông liên thôn, liên xã, đường ra đồng theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Bằng nguồn lực đóng góp của nhân dân và nguồn ngân sách địa phương, xã đã xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, tu sửa các công trình văn hóa, lịch sử như đền, chùa… Năm 2011, nhân dân các xóm đã góp công sức, kinh phí cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cải tạo các nhà trẻ cũ và xây dựng mới 5 nhà văn hóa. Nhờ đó đến nay, toàn xã đã có 12/17 thôn xây dựng được nhà văn hóa và các điểm vui chơi giải trí, hoạt động TDTT. Tiêu biểu như nhà văn hóa xóm Tiên được xây dựng mới trị giá hàng trăm triệu đồng; nhà văn hóa thôn Thanh Ý được cải tạo từ nhà trẻ cũ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp của chi bộ Đảng và các đoàn thể của thôn. Những năm qua, các thôn trong xã đều thực hiện nghiêm túc quy ước nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang; các lễ hội truyền thống đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm… Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được triển khai thường xuyên đã gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Hằng năm vào các dịp lễ tết, mừng Đảng, mừng xuân, rằm Trung thu, đợt giao nhận quân đầu năm… ở cả 17 thôn, xóm trong xã đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT sôi nổi.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm chính sách dân số vẫn xảy ra ở 12 thôn, với 26 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa. Ở 2 thôn chưa được công nhận danh hiệu “làng văn hóa” tình trạng thanh, thiếu niên đánh nhau, tệ nạn cờ bạc vẫn xảy ra… Để duy trì và giữ vững danh hiệu “làng văn hóa”, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã được củng cố, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội với xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực để xã thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Đức Thiện