Từ nhiều năm nay, huyện Xuân Trường đã tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, từng bước chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Mai Văn Cường, xóm 8, xã Xuân Kiên mỗi năm xuất bán được trên 50 tấn thịt lợn hơi, tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng. |
Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã hình thành các trang trại, gia trại sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Toàn huyện có 170 trang trại, gia trại, trong đó có 29 trang trại đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT đã được UBND huyện xét duyệt cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại gồm: 21 trang trại chăn nuôi, 6 trang trại nuôi trồng thủy sản, 2 trang trại tổng hợp. Trong số các trang trại đã được cấp chứng nhận có 7 trang trại đạt doanh thu từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm, 11 trang trại có doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm, 6 trang trại có doanh thu từ 2-3 tỷ đồng/năm, 4 trang trại có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Các xã có nhiều trang trại là Xuân Kiên 5 trang trại, Xuân Tân 6 trang trại, Xuân Thành 3 trang trại… Để phát triển các trang trại, gia trại, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn công khai quy hoạch đất phát triển trang trại, gia trại, khuyến khích các hộ tự dồn đổi ruộng hoặc cho thuê ruộng trong vùng quy hoạch để làm trang trại. Huyện tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo quỹ đất xây dựng trang trại; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế trang trại, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi thủy sản. Xã Xuân Hòa có gần 30ha vùng đầm được 15 hộ nhận thầu nuôi thủy sản theo phương thức nuôi đa con. Đến nay, xã có nhiều hộ nuôi thủy sản có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ các ông Phạm Đức Cảm, xóm 13, Lê Văn Bản, Lê Thế Nhật xóm 15, bà Ngô Thị Liễu ở xóm 1… Được xã tạo điều kiện cho đấu thầu 5ha vùng đất bãi ven sông Sò, năm 2006, ông Lê Văn Bản đầu tư vốn, đào ao, nuôi cá vược. Để đạt năng suất cao và tiết kiệm thức ăn trong ao nuôi, ông thả các loại cá trắm đen, cá diêu hồng; khi cá nặng khoảng 1kg/con, ông Bản thả cá vược, mỗi con nặng khoảng 0,4-0,5kg. Trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu từ 250-300 triệu đồng/năm từ nuôi cá. Hiện nay, phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã được mở rộng ở các xã Xuân Tân, Xuân Ngọc, Xuân Châu, Xuân Thủy, Xuân Thượng..., mỗi xã có từ 5-20 trang trại, gia trại sản xuất kinh doanh ổn định. Định kỳ hằng tháng, hằng quý và những thời điểm giao mùa, huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT và các ngành chức năng tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tập huấn kỹ thuật; thông tin tình hình thị trường cho các chủ trang trại. Nhờ thực hiện tốt chế độ tiêm phòng nên đàn gia súc, gia cầm của các trang trại chăn nuôi trong huyện không mắc các bệnh dịch. Nhiều trang trại, gia trại đầu tư quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình sản xuất công nghiệp đã đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu từ 500 triệu đến trên 2 tỷ đồng/năm như trang trại của các ông: Mai Văn Cường, Bùi Thanh Quang ở xóm 8, xã Xuân Kiên; Nguyễn Văn Toán, xóm 5 xã Xuân Thượng… Xã Xuân Châu hiện có trên 30 hộ phát triển chăn nuôi gia trại quy mô bình quân từ 50-60 con lợn, 200-500 con vịt, 300-400 con gà cho thu nhập 80 triệu đồng/năm như hộ các ông: Giáp, Sự (xóm 1); Dũng, Trọng, Luyên, Hải (xóm 2); Hợi, Ngọc, Hộ (xóm 8)… Toàn xã hiện có 30% số hộ tận dụng diện tích ao, hồ phát triển nuôi thủy sản bằng các giống cá truyền thống với tổng diện tích gần 20ha, thu nhập 80 triệu đồng/ha trở lên. Ngoài ra, vùng chuyển đổi ngoài bãi sông Hồng rộng 15ha cũng thu hút 10 hộ tham gia phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Vùng 1ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả ở xóm 5, xã Xuân Thượng được ông Nguyễn Văn Toán nhận thầu phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tổng hợp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động địa phương. Với 2.000m2 chuồng trại được ông bố trí thành 5 dãy, trong đó 2 dãy thường xuyên duy trì đàn lợn nái ngoại 100-120 con, 3 dãy còn lại nuôi lợn thịt với quy mô 300-400 con/dãy và 3 ao thả cá truyền thống với tổng diện tích khoảng 6 sào, trên bờ trồng hàng trăm gốc sanh, si, cây ăn quả… cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Trên diện tích gần 1.300m2, ông Bùi Xuân Quang ở xóm 8, xã Xuân Kiên đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trên 500m2 chuồng trại nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp. Ban đầu, ông nuôi mỗi lứa 100 con lợn thịt, mỗi năm 3 lứa, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông thu 40-50 triệu đồng. Khi đã có kinh nghiệm, ông nuôi thêm lợn nái siêu nạc, thường xuyên duy trì tổng đàn lợn trên 250 con trong đó có 30 con lợn nái. Bình quân mỗi năm trang trại của ông xuất bán trên 45 tấn thịt lợn hơi, tổng doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Xuân Trường tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm; trong đó ưu tiên phát triển đàn lợn ngoại, lợn sữa để có sản phẩm tham gia xuất khẩu, phát triển các loại con nuôi đặc sản như: tôm chân trắng, cá vược, cá diêu hồng... để nâng cao hiệu quả kinh tế; từng bước chuyển dần chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường./.
Bài và ảnh: Thành Trung