Năm 2012, các ngành chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều hoạt động xây dựng nền kinh tế xanh, trong đó tiêu biểu là các doanh nghiệp tại các huyện, thành phố.
Siêu thị BigC Nam Định vận động người tiêu dùng thu gom pin đã qua sử dụng và dùng túi tái chế, góp phần BVMT. |
Đồng chí Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Nhà máy Sợi Nam Định (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) cho biết: Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu, chi phí vận hành sản xuất không ngừng tăng, nhà máy đã chủ động tham gia chương trình xây dựng nền kinh tế xanh vừa góp phần BVMT vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, giảm tối đa các loại chi phí sản xuất. Theo đó, nhà máy đã thành lập “Ban tiết kiệm điện”, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho CB-CNV về sử dụng tiết kiệm điện; áp dụng chính sách thưởng, phạt cho các tập thể và cá nhân sử dụng điện, nước hiệu quả. Để tiết kiệm năng lượng, nhà máy bố trí thời gian làm việc hợp lý; sử dụng hệ thống điều hòa không khí ở nhiệt độ thích hợp; thay thế hệ thống đèn sợi đốt bằng đèn comfact và đèn chấn lưu điện tử, tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng các loại đèn chiếu sáng vào ban ngày ở các phân xưởng sản xuất; thiết kế lại hệ thống điện của 200 quạt thông gió tích hợp với máy dệt chính, tránh lãng phí điện khi không sử dụng; nối dài các máy kéo sợi từ 400 cọc lên 500 cọc/máy. Đặc biệt, nhà máy đã lắp đặt tích hợp biến tần trong một số thiết bị máy móc, giảm tối đa điện năng tiêu thụ trong các trường hợp không tải như: quạt hút mối nối, máy nén khí, hệ thống hút ống sợi; lắp đặt hệ thống tụ bù hạ thế cho trạm biến áp, giảm từ hai trạm xuống một trạm, nâng công suất hoạt động của trạm biến áp gần 90%, giúp giảm được công suất tổn hao vô ích trong toàn hệ thống. Nhà máy đã sử dụng phương pháp giải nhiệt hỗ trợ làm mát máy nén khí, giúp nhà máy tiết kiệm được 6.000m3 nước/tháng. Tại nhà máy may Trần Phú, số 62 đường Trần Phú (TP Nam Định), quy mô nhỏ nhưng đơn vị đã chú trọng thực hiện hiệu quả các biện pháp tiết kiệm năng lượng; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn công nhân sử dụng tiết kiệm năng lượng; lắp đặt hệ thống thông gió và hơi nước làm mát nhà xưởng có tích hợp biến tần tiết kiệm điện. Đối với hệ thống chiếu sáng, nhà máy đã thay đổi lại cách bố trí, sắp xếp lại nhà xưởng, văn phòng làm việc theo hướng tận dụng ánh sáng tự nhiên; lắp khoảng 200 bóng đèn tiết kiệm điện cho toàn bộ 6 dây chuyền sản xuất; lắp đèn Led chân kim tại hệ thống máy may chuyên dụng; lắp công tắc riêng cho từng khu vực; kiểm tra định kỳ hệ thống chiếu sáng. Tại hệ thống lò hơi, nhà máy bảo dưỡng theo định kỳ, bọc ô cho đường ống dẫn hơi. Đặc biệt, nhà máy sử dụng mùn cưa ép thay cho than đá làm nguyên liệu đốt lò, góp phần tái tạo nguồn năng lượng từ phế thải của công nghiệp chế biến gỗ, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 ra môi trường và tiết kiệm được 60% chi phí nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm. Tại siêu thị BigC Nam Định, ngay từ khi bắt đầu hoạt động, đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm giảm tối đa chi phí tiêu tốn điện năng và lượng nước trong kinh doanh. Siêu thị đã kêu gọi, vận động mọi khách hàng thực hiện nhiều chương trình tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm lượng rác thải ra môi trường và giảm chi phí tiêu dùng như: Thu gom pin sau sử dụng để trao cho các đơn vị tái chế, sử dụng túi đựng hàng bằng nguyên liệu dễ tiêu hủy. Từ hiệu quả đạt được trong chương trình xây dựng nền kinh tế xanh của các doanh nghiệp cho thấy ngoài lợi ích BVMT bền vững cho cả cộng đồng, các doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ chính các biện pháp tiết kiệm năng lượng của đơn vị như: tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, uy tín cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành TN và MT, Công thương, vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chủ động triển khai các hoạt động xây dựng nền kinh tế xanh. Để huy động sự chung sức xây dựng nền kinh tế xanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng cần huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình khảo sát, chứng minh lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng sau đầu tư BVMT. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ, xây dựng các mô hình điểm trong xây dựng nền kinh tế xanh cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm, học tập mô hình doanh nghiệp chủ động xây dựng nền kinh tế xanh trong đơn vị và phát động, kêu gọi cộng đồng cùng vào cuộc thực hiện các hành vi BVMT bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý