Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, từ nhiều năm nay, thông qua hoạt động tín chấp, các cấp bộ Đoàn đã nhận uỷ thác từ Ngân hàng CSXH và các nguồn vốn khác để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên vay vốn với tổng dư nợ đạt 88,2 tỷ đồng và đã tổ chức cho vay 25 dự án. Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh còn được tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn với tổng số vốn đến thời điểm hiện nay đạt 1 tỷ 373 triệu đồng, phân bổ cho 16 dự án. Tuy mức hỗ trợ của các dự án không cao, từ dưới 50 đến 100 triệu đồng, nhưng hầu hết nguồn vốn “mồi” ban đầu đã tạo bàn đạp để nhiều thanh niên khởi nghiệp vững tiến xa hơn trên con đường phát triển kinh tế. Tiêu biểu trong số những thanh niên xây dựng thành công mô hình sản xuất mới sau khi nhận được nguồn vốn vay của tổ chức Đoàn là anh Lương Xuân Bắc ở xóm 2, xã Trực Hưng (Trực Ninh). Là một đoàn viên, thanh niên luôn xông xáo trong hoạt động xã hội, là công chức xã, kiêm cán bộ Đoàn xã, thôn nhưng anh luôn ấp ủ ý tưởng gây dựng một trang trại thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Là người ham học hỏi, anh đã trang bị cho mình lượng kiến thức cơ bản, đủ để tự tin bắt tay vào xây dựng trang trại, tuy nhiên khó khăn về vốn khiến anh chưa thể thực hiện được ý tưởng của mình trong suốt thời gian dài. Khi tham gia phong trào Đoàn, anh đã nắm bắt được thông tin về các nguồn vốn hỗ trợ và đăng ký vay vốn. Ngay sau khi chứng minh được tính khả thi của dự án, anh đăng ký giấy chứng nhận đầu tư trang trại và được tổ chức Đoàn cho vay 50 triệu đồng vào đầu năm 2010. Số vốn tuy không lớn nhưng tạo nên “cú hích” về lòng tin đối với anh em họ hàng và người thân. Mọi người đã cho anh vay thêm, nâng tổng số vốn vay lên tới hơn 200 triệu đồng. Anh dồn hết tâm huyết để xây dựng trang trại trên khu đất rộng hơn 3.000m2, cải tạo từ vùng ruộng trũng. Sau hai năm xây dựng trang trại theo phương thức “của ruộng đắp bờ”, đến nay tổng vốn đầu tư của anh đã lên đến gần 1 tỷ đồng.
Nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp đã góp phần giúp anh Trần Văn Lin, xã Kim Thái (Vụ Bản) nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Trang trại hiện có 20 con lợn nái, 150 con lợn thịt, trên 1.000 con gà, gần 1.000m2 ao nuôi các loại cá truyền thống và hơn 1.000 cây chuối, đu đủ. Anh Bắc cho biết, hiệu quả kinh tế trong giai đoạn mới đầu tư chưa cao, nhưng điều quan trọng anh đạt được là làm được công việc mình yêu thích, được khẳng định sức trẻ, đam mê và cống hiến. Năm 2010, Anh Trần Văn Lin, xã Kim Thái (Vụ Bản) được vay vốn từ Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp theo mô hình: lợn - cá - lúa trên diện tích gần 1,4ha. Anh Lin cho biết, những món vay tín chấp tuy giá trị không nhiều nhưng tạo động lực để anh quyết tâm xây dựng thành công mô hình trang trại. Ý chí đó cùng với niềm đam mê, trực tiếp xắn tay vào làm, tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm trong các công đoạn sản xuất đã giúp anh liên tiếp đạt được những kết quả cao. Đến nay, trang trại của anh thường xuyên duy trì ở mức 20 con lợn nái và hơn 400 con lợn thịt, nuôi theo phương pháp công nghiệp; 3 ao nuôi ba ba, các loại cá truyền thống với diện tích gần 7.000m2. Ngoài các mô hình đã kể trên, hầu hết các mô hình vay vốn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được kết quả này, cùng với sự hỗ trợ về vốn, công tác tập huấn, nâng cao kiến thức sản xuất, quản trị kinh doanh cũng được thực hiện. Năm 2012, toàn tỉnh đã tổ chức được 102 buổi tư vấn, hướng nghiệp cho 27.622 lượt đoàn viên, thanh niên giúp họ được tiếp cận với cơ hội tạo lập việc làm và tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp. Các hội thi nâng cao tay nghề đã thu hút trên 2.000 đoàn viên tham gia, ngoài ra toàn tỉnh còn có 5.572 đoàn viên được dạy nghề, 15.560 đoàn viên được tư vấn giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng số dự án đã cho vay trên toàn tỉnh thì chương trình hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp chưa có nhiều dự án. Nguồn vốn cho vay còn dư nhiều nhưng vẫn còn quá ít thanh niên đề xuất các dự án vay vốn có khả năng thuyết phục cao về hiệu quả kinh tế. Nhiều thanh niên còn hạn chế trong việc hình thành ý tưởng và xây dựng những mô hình kinh doanh, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân và nhu cầu thị trường; thiếu những kỹ năng mềm để thuyết trình thành công ý tưởng của mình. Bên cạnh đó là những hạn chế về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động phối hợp, liên kết, hỗ trợ theo nhóm của đoàn viên, thanh niên. Để khắc phục những hạn chế trên, các cấp bộ Đoàn cần thường xuyên quan tâm, chủ động hỗ trợ, tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về học nghề, lập nghiệp, các hoạt động hướng nghiệp, nhất là thanh niên khu vực trường học và nông thôn, giúp họ có nhận thức đầy đủ về lao động và việc làm. Coi trọng việc tổ chức các hoạt động doanh nhân thành đạt truyền đạt kinh nghiệm cho thanh niên một cách trực tiếp hoặc qua internet; thành lập các quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đào tạo các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp… Đặc biệt, mỗi thanh niên phải chủ động, dám nghĩ, dám làm, nhanh nhạy nắm bắt mọi cơ hội và vững vàng trước những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý